Xử lý nợ xấu: Ngân hàng cũng khóc!
Xử lý nợ xấu đang… tắc mà nút thắt lại nằm chính ở khâu xử lý tài sản đảm bảo. Đại diện nhiều ngân hàng (NH) cho hay đang khá ngán ngẩm khi nhiều khách hàng “trơ lỳ” không trả nợ nhưng lại la “toáng” lên nếu bị động vào tài sản vốn đã sẵn lòng đem thế chấp.
Sự kiện nhân viên thu nợ NH VPbank “siết nợ” niêm phong căn hộ chung cư tại Nhân Chính - Trung Hòa rồi chủ nhà báo công an, các lực lượng chức năng phải nhảy vào giải cứu người thân của gia chủ hồi đầu năm, nay đã lắng xuống. Dẫu vậy, đến giờ nó vẫn mang lại khá nhiều tranh cãi cho những người trong cuộc, giới luật sư, ngân hàng và cả xã hội về sai - đúng mỗi bên.
Trước đó, từng xôn xao việc một công dân (tại Hà Nội) hốt hoảng tới công an phường trình báo bị mất chiếc ô tô để dưới sân nhà, “thủ phạm cuối cùng hoá ra là một ngân hàng. Cũng bởi anh này vay tiền mấy trăm triệu và thế chấp bằng chính chiếc xe đó. Tuy nhiên dễ đến nửa năm anh này bỏ mặc không trả nợ dù nhân viên ngân hàng kêu khóc. Bức xúc, đường cùng, ngân hàng đó thuê người đến “bốc” xe về.
Cùng thời điểm này, rất nhiều ngân hàng kêu bế tắc trong xử lý nợ xấu bởi sự bất hợp tác của khách hàng. Đại diện Techcombank kể có một vị khách đã vay ngân hàng tiền và làm thủ tục hợp đồng thế chấp tài sản trong tương lai (là căn hộ mua tại một khu đô thị). Không giữ được chữ tín trả nợ đúng quy định, vị khách này còn làm ầm lên khi ngân hàng thông báo sẽ làm theo đúng luật tiến hành xử lý tài sản bảo đảm (dù hai bên đã từng ký cam kết thỏa thuận các điều khoản chi tiết, rõ ràng).
Nhận xét về thực trạng này, luật sư Trương Thanh Đức, Hiệp hội ngân hàng cho rằng thực tế đang có nhiều khách hàng chọn cách càng chây ỳ càng có lợi. Lý do là bởi theo ông Đức, “tôi vay ngân hàng khi nợ xấu lãi suất rơi vào 15- 20%; có khi tới 30% /năm. Còn nếu tôi cứ chây ỳ, chắc chắn ngân hàng sẽ phải miễn giảm lãi, sẽ tha không phải trả gì cả. Thậm chí còn đến mức độ là cứ ra bản án, cứ có quyết định của tòa án thì lúc đấy nghĩa vụ lại nhẹ nhàng đơn giản nhất, chỉ có 9%/ năm thôi”.
Luật bảo vệ chủ nợ hay con nợ?
Cán bộ pháp chế một NH cổ phần chỉ ra: Nghị định 163/NĐ_CP 2006 về quyền xử lý tài sản bảo đảm nêu rất rõ khi thu giữ tài sản, NH có thể chủ động xử lý tài sản đảm bảo hoặc đi theo con đường tòa án, tuy nhiên đến lúc này, rất nhiều cơ quan chức năng liên quan (chính quyền địa phương, UBND, Công an địa phương) vẫn chưa hiểu rõ Nghị định 163 khiến tổ chức tín dụng phải giải thích nhiều.