Xu hướng giá vàng?
Giá vàng thế giới và trong nước liên tục đi xuống, nhiều người băn khoăn không biết thời điểm nào vàng sẽ ngừng giảm giá. Trong khi đó, các chuyên gia dự báo xu hướng thị trường vàng trái ngược nhau.
Ngày 17/11, giá vàng thế giới giảm thêm 22 USD/ounce, xuống còn 1.335 USD/ounce (lúc 14 giờ). Cùng thời điểm, vàng SJC tiếp tục “bốc hơi” 500.000 đồng/lượng, xuống còn 34,44 triệu đồng/lượng. Như vậy, nếu tính từ ngày 9/11 (vàng SJC có giá 38,9 triệu đồng/lượng, giá vàng thế giới 1.425 USD/ounce) đến nay thì giá vàng trong nước đã giảm hơn 4,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới rớt liền mạch 100 USD/ounce.
Giới kinh doanh vàng cho biết sau khi được phép nhập khẩu, nguồn cung vàng đã được cải thiện, tâm lý muốn nắm giữ vàng bằng mọi giá đã tiêu tan nên sức mua gần bằng không, cùng với đà giảm của giá vàng thế giới khiến vàng trong nước rớt không phanh.
Trên thị trường tài chính quốc tế, khủng hoảng nợ công của Ireland bùng nổ, chứng khoán toàn cầu đỏ sàn khiến giới đầu tư bán vàng bù lỗ cổ phiếu.
Mặt khác, đồng Euro suy yếu nên USD tăng giá (1 Euro đổi được 1,34 USD). Trung Quốc phát tín hiệu tăng lãi suất nên các quỹ đầu tư bán vàng nhiều hơn mua. Đơn cử, từ đầu tháng 11/2010 đến nay, quỹ đầu tư SPDR Gold Trust đã bán ra 4 tấn vàng, trong khi mua vào chỉ 2,4 tấn.
Theo ông Trần Trọng Quốc Khanh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch vàng Ngân hàng Á Châu, khi yếu tố tâm lý không còn ảnh hưởng đến thị trường thì xu hướng của giá vàng chỉ còn yếu tố kỹ thuật, tức giá vàng tăng hay giảm phụ thuộc vào lực mua - bán mạnh hay yếu. Khi vàng đã vượt qua mức cản 1.420 USD/ounce, giới đầu tư nhanh tay chốt lời nên giá vàng trong những ngày gần đây liên tục đi xuống. Thế nhưng đến một thời điểm nào đó sẽ có những nhà đầu tư khác nhảy vào mua, giá vàng sẽ ngừng giảm.
Giới đầu tư cân nhắc
Theo ông Mark Leibovit, Giám đốc chiến lược thị trường của VR Gold letter.com, giá vàng đang ở mức đỉnh buộc phải đi xuống. Điều này có thể diễn ra trong một tháng, một tuần hay chỉ trong vài ngày bởi thời điểm cuối năm, các tổ chức tài chính có thể bán vàng để hiện thực hóa lợi nhuận, chuẩn bị kết thúc niên khóa tài chính.
Chuyên gia Zhu Zhigang thuộc Hội đồng Vàng Trung Quốc cho biết vàng không trụ được mức cản 1.350 USD/ounce, đang trên đà xuống 1.300 USD/ounce.
“Trong ngắn hạn vàng ẩn chứa yếu tố rủi ro nếu giới đầu cơ gia tăng động thái chốt lời”, nhà phân tích Andrey Kryuchenkov thuộc Ngân hàng VTB Capital nói.
Còn ông Frank McGhee, người đứng đầu bộ phận giao dịch kim loại quý thuộc Công ty Integrated Brokerage Service, cho biết giới đầu tư hiện đang cân nhắc để xác định hướng đi sắp tới của giá vàng.
Trong khi đó, Deutsche Bank AG nhận định: Áp lực lạm phát dài hạn có thể giúp các nhà đầu tư giữ vững niềm tin đối với vàng mà biểu hiện của nó là Quỹ Soros Fund Management LLC của tỉ phú Goerge Soros hiện đang nắm giữ 4,6 triệu cổ phiếu của tổ chức SPDR Gold Trust và 705.000 quyền chọn mua vàng của Gold ETF. Ngoài ra, tỉ phú Goerge Soros cũng sở hữu 5 triệu cổ phiếu của iShares Gold Trust.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng Mỹ còn duy trì chính sách USD yếu, nhu cầu vàng tại một số quốc gia khu vực châu Á đang tăng mạnh. Đặc biệt, trong tháng 10/2010, Ấn Độ đã nhập khẩu 45 tấn vàng và tiếp tục nhập khẩu thêm cho đến hết năm 2010. Vì thế, vàng vẫn còn cơ hội để tăng giá trong dài hạn.
Kinh tế phục hồi, giá vàng sẽ giảm Lịch sử của giá vàng thế giới cho thấy năm 2000, vàng có giá 300 USD/ounce, rồi lên 425 USD/ounce vào năm 2004. Đến tháng 7/2008, vàng vọt lên 1.000 USD/ounce nhưng chỉ 6 tháng sau xuống còn 750 USD/ounce (tháng 1/2009); đến ngày 9/11/2010 lên 1.425 USD/ounce sau đó xuống 1.335 USD/ounce (ngày 17/11). Điều này chứng tỏ giá vàng thế giới không phải lúc nào cũng tăng thẳng đứng. Giới phân tích cho rằng về lâu dài, kinh tế Mỹ, Nhật Bản, khu vực châu Âu sẽ hồi phục, khi đó Mỹ và nhiều quốc gia khác sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo lạm phát đi xuống. Khi đó, giá vàng sẽ giảm mạnh. |