Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?)

(Dân trí) - Bị đại biểu Quốc hội “truy” về vụ xe Volkswagen gắn định vị bản đồ “đường lưỡi bò” Trung Quốc trưng bày tại triển lãm ô tô Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “Đây là hiện tượng mới xuất hiện. Chúng tôi thấy có một lỗ hổng pháp lý”.

Từ 15h chiều nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì điều hành chất vấn các vấn đề “nóng” đang thu hút sự quan tâm của xã hội thời gian qua như gian lận thương mại, giá điện...

Dự kiến, trong chiều nay Tư lệnh ngành công thương có 2 tiếng đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. 

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh được đại biểu lựa chọn chất vấn với tỷ lệ là 82,4 %. Nội dung chất vấn tập trung vào công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo.

Cùng đó, Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Công Thương về hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng. Phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì, điều hành phiên chất vấn (ảnh: Việt Hưng)

Mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là lần thứ 3 ông  được đưa vào danh sách để tham gia chất vấn và trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc chất vấn trước Quốc hội thể hiện rõ sự quan tâm cử tri và nhân dân cả nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp đối với những yêu cầu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ để xây dựng môi trường, cải tạo phục vụ cho phát triển bền vững về kinh tế và xã hội cũng như hội nhập.

"Chúng tôi coi mỗi phiên chất vấn là cơ hội để Bộ tiếp tục được lắng nghe những ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri, giúp cho Bộ Công Thương tiếp tục hoàn thiện và hoàn thành mức cao như trách nhiệm và những nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của mình" - Tư lệnh ngành công thương khẳng định. 

Bộ trưởng Công Thương cam kết với Quốc hội và cử tri cả nước sẽ có cách tiếp cận, quan điểm rất cầu thị xây dựng và trung thực thẳng thắn trong phiên chất vấn, để lắng nghe và tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc đã làm được và còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, có 77 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công Thương trong buổi chiều nay.

"Nóng" vụ nhôm Trung Quốc “đội lốt”

Đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn): Tình trạng lợi dụng nhãn mác Việt Nam để xuất khẩu ra nước khác dù được cảnh báo từ lâu nhưng vẫn chậm được xử lý. Nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này ra sao? 

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 2
Đại biểu Phương Thị Thanh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiện nay có các doanh nghiệp đang lợi dụng Việt Nam và xuất xứ Việt Nam đề xuất khẩu đi các nước khác, gây ra thiệt hại cho nước ta…

Trên thực tế, chúng ta đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Theo đó, chúng ta đã có các ưu đãi về thuế quan trong việc xuất khẩu hàng hoá ra các nước đối tác, tạo lợi thế trong thâm nhập thị trường so với các quốc gia khác.

Hàng loạt các quốc gia đã ký kết FTA với Việt Nam, các FTA sắp tới có hiệu lực sẽ mang lại những cơ hội cho chúng ta trong tăng trưởng xuất khẩu cũng như năng lực cạnh tranh cho sản phẩm sang các nước này. Tuy nhiên, cùng với những ưu đãi thuế quan và những điều kiện khác trong tiếp cận thị trường, xuất hiện những dấu hiệu cho thấy các sản phẩm “đội lốt” xuất xứ hàng hoá của Việt Nam để tranh thủ các ưu đãi về thuế quan. 

Gần đây nhất là trường hợp doanh nghiệp sản xuất nhôm định hình lợi dụng xuất xứ để xuất khẩu đi nước khác. Ngay từ thời điểm đó, thông qua những thông tin có được, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo Chính phủ và tổ chức những đoàn đi kiểm tra trên thực tế hoạt động của doanh nghiệp và đã có những báo cáo cụ thể trong lĩnh vực này.

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 3

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (ảnh: Việt Hưng)

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo cụ thể và giao cho Tổng cục Hải quan tiếp tục giám sát chặt chẽ không cho phép lợi dụng xuất xứ của Việt Nam để thực hiện gian lận thương mại trong hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời hàng loạt các lĩnh vực khác nữa trong thời gian qua như trong các sản phẩm thiết bị điện tử, máy tính, các sản phẩm của dệt may da giày và đặc biệt là gỗ dán và các sản phẩm gỗ có những dấu hiệu để tranh thủ lợi dụng gian lận thương mại để lẩn tránh thuế phòng vệ của Hoa Kỳ, EU và nhiều nước khác cũng đã được phát hiện. 

Trên thực tế, Bộ Công thương đã có sự chủ động phối hợp và báo cáo với Chính phủ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành để cùng phối hợp quản lý và xử lý những vấn đề này đặc biệt là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, cơ quan chịu trách nhiệm trong quản lý về hoạt động xuất khẩu hàng hoá.

Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua quyết định 824 phê duyệt Đề án về phòng vệ thương mại, đặc biệt tập trung đấu tranh những hành động gian lận thương mại.

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 4
Quốc hội chất vấn nhiều vấn đề "nóng" ngành công thương (ảnh: Việt Hưng)

Bất bình vụ xe Volkswagen cài "đường lưỡi bò" phi pháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp): Việc cài đặt bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên định vị ô tô, phim ảnh hết sức nguy hại. Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Có biện pháp rà soát để không để tái diễn hình ảnh tương tự như trên làm ảnh hưởng đến người dân?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các sản phẩm, các phần mềm điện tử của ô tô nhập khẩu có bản đồ “đường lưỡi bò” vi phạm đến chủ quyền an ninh quốc gia là hiện tượng mới xuất hiện. Trước đó, một số sản phẩm tương tự về văn hoá, nghe nhìn có "đường lưỡi bò" và đã có những biện pháp xử lý, nhưng đối với ô tô nhập khẩu ô tô phục vụ cho việc triển lãm là sự kiện mới.  

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 5
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn vụ xe ô tô tại triển lãm gắn "đường lưỡi bò" Trung Quốc mới đây (ảnh: Việt Hưng)

Ngay sau khi xảy ra sự việc, chúng tôi đã tổ chức rà soát, kiểm tra lại cơ quan chức năng. Trước mắt, chúng tôi thống nhất với Tổng cục Hải quan về việc ô tô để phục vụ cho triển lãm, tổ chức tổ chức là tịch thu sung công.  Sau đó, chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng rà soát pháp lý để đảm bảo sự quản lý chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lợi dụng trong tương lai về những trường hợp tương tự đối với doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động ô tô nhập khẩu và kinh doanh tại Việt Nam. 

Chúng tôi đã rất nghiêm túc yêu cầu doanh nghiệp này phải triệu tập và thu hồi toàn bộ ô tô nhập khẩu vào Việt Nam có hiện tượng trong phần mềm dẫn đường là “đường lưỡi bò”.

Chúng tôi tạm thời cho dừng giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô và kinh doanh tại Việt Nam cho đến khi doanh nghiệp này phải thực hiện xong các phần trách nhiệm của mình.

Qua đây, chúng tôi thấy có một lỗ hổng pháp lý. Các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin thông tin và truyền thông sẽ tiếp tục rà soát lại để đảm bảo không xảy ra hiện tượng đó trong tương lai, hoàn thiện về mặt pháp luật và thể chế.

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 6
"Đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc gắn trên xe Volkswagen tại triển lãm ô tô Việt Nam mới đây (ảnh: Việt Hưng)

Chưa quyết dừng hẳn hay tạm dừng mỏ sắt Thạch Khê

Đại biểu Trần Đình Giang (đoàn Hà Tĩnh): Cử tri Hà Tĩnh nhiều lần yêu cầu dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Đến thời điểm này, cơ bản nhiều bộ, ngành đồng ý đề xuất. Vậy xin hỏi, lúc nào Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ về việc này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Liên quan tới dự án mỏ sắt Thạch Khê, đã có rất nhiều chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Bộ Chính trị. Xét tình hình thực tế trong thời gian vừa qua, có những diễn biến mới khi dự án không đảm bảo được yêu cầu và hiệu quả cả về khía cạnh môi trường cũng như đảm bảo an sinh xã hội của người dân dân tại địa phương.

Chính phủ đã có rất nhiều lần họp về vấn đề này. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp tục giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành làm rõ các ý kiến đóng góp, trong đó có phương án tiếp tục tạm dừng hay dừng hẳn. Đồng thời, xem xét giải quyết những hệ luỵ như thế nào để đảm bảo hiệu quả cũng như cơ sở pháp luật của dự án trong việc tạm dừng.

Tinh giảm hơn 160 đội quản lý thị trường

Đại biểu Đôn Tuấn Phong (đoàn An Giang): Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường. Hiệu quả của việc sắp xếp lại như thế nào, có giúp tinh gọn bộ máy thực sự không?

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 7

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Sau khi có quyết định thành lập Tổng cục Quản lý thị trường, 1 năm qua chúng tôi đã chính thức xây dựng xong tất cả tổ chức bộ máy của Tổng cục theo hướng tiếp tục xây dựng lực lượng chính quy tinh nhuệ nhưng đồng thời thu gọn đầu mối, tinh giản bộ máy.

Chúng tôi đã giảm được như vậy 164 đội quản lý thị trường trong tổng số hơn 600 đội quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Đến hết năm 2019 và sau đó năm 2020, dự kiến sẽ tiếp tục tiếp tục giảm tiếp 140 đội quản lý thị trường. Thời gian tới, không phải tỉnh nào cũng có lực lượng quản lý thị trường.

Lực lượng chức năng tiếp tay cho hàng giả? 

Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc): Tình hình buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như thuốc chữa bệnh, dược phẩm, thực phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp trong thời gian tới, trách nhiệm của Bộ trưởng và các cơ quan có liên quan để xảy ra tình trạng này!

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 8
Đại biểu Trần Văn Tiến

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Những câu chuyện về hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém phẩm chất, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ tương đối phổ biến và xảy ra không còn là cá biệt, đặc biệt là khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng với thế giới, những câu chuyện này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, thậm chí có được tổ chức một cách rất tinh vi và có liên kết trong phạm vi trong và ngoài nước.

Đây là nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, đặt ra yêu cầu phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường được thành lập để giải quyết tình trạng này, lực lượng đang tiếp tục phát huy vị thế qua việc phối hợp với các địa phương.

Để xảy ra tình trạng nói trên, trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương và lực lượng quản lý thị trường, nhưng cũng cần có trách nhiệm của cả hệ thống trong đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, cũng như đấu tranh với các hành vi tiếp tay. 

Hàng giả được bày bán công khai với sự tiếp tay của rất nhiều lực lượng chức năng tại các địa phương. Bộ Công Thương vừa qua quyết liệt đấu tranh chống các mặt hàng giả như đường, quần áo, tập trung một số địa bàn trọng điểm như Đồng Tháp, An Giang, Hà Nội. Tới đây, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ làm tốt hơn nhiệm vụ của mình và có giải pháp đấu tranh hữu hiệu hơn nữa.

Xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc “vượt rào” vào Việt Nam qua lỗ hổng pháp lý (!?) - 9
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thừa nhận trách nhiệm của Bộ Công Thương khi để xảy ra tình trạng hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả... (ảnh: Việt Hưng)

* 17h, Quốc hội nghỉ. Dân trí sẽ tiếp tục tường thuật trực tuyến phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương vào sáng mai (7/11). 

 Như Quỳnh - Phương Dung