1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Công Thương: Vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc rất nghiêm trọng!

(Dân trí) - Ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương - khẳng định: “Xe Volkswagen có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam.”

Vụ xe Volkswagen trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc đã và đang gây nhiều bức xúc cho dư luận. Cần phải nhấn mạnh rằng, đây không phải là lần đầu tiên phát hiện nhà sản xuất dòng xe Volkswagen có các ứng dụng công nghệ kỹ thuật vi phạm về chủ quyền của Việt Nam.

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều nay (5/11), PV Dân trí đặt câu hỏi: Xe bị phát hiện vi phạm khi triển lãm, tuy nhiên thực tế bao nhiêu chiếc xe Volkswagen gắn thiết bị định vị vệ tinh dẫn đường có “đường lưỡng bò” phi pháp đang và sắp lăn bánh trên đường? Vì sao những chiếc xe này có thể "vượt rào" thuận lợi vào Việt Nam? Ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm? Sau vụ việc, Bộ ngành chức năng có rà soát lại dòng xe Volkswagen tại Việt Nam hay không? 

Bộ Công Thương: Vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc rất nghiêm trọng! - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng (ảnh: Mạnh Thắng)

Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng thừa nhận trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô, hàng hóa về Việt Nam để bán và tham gia trưng bày có “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

“Đây là sự việc có tính chất rất nghiêm trọng, vi phạm quy định pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng đến an ninh và chủ quyền quốc gia” - Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định và cho biết ngay khi xảy ra sự việc Bộ Công Thương đã làm việc với doanh nghiệp nhập khẩu để làm rõ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương thông tin, xe có bản đồ có “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không thể sử dụng được tại Việt Nam do khác hệ thống định vị và không có dữ liệu. Doanh nghiệp nhập khẩu đã nhận sai sót khi không phát hiện ra sự việc này. Bộ Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp có văn bản thông báo công khai và thu hồi toàn bộ ô tô đã nhập khẩu để kiểm tra, khắc phục vi phạm xong trước ngày 30/11/2019.

“Nếu đến ngày 30/11 công ty này chưa khắc phục xong các vi phạm thì Bộ Công Thương sẽ tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh. Hàng tuần, công ty phải báo cáo với Bộ Công Thương về tình hình khắc phục vi phạm, báo cáo cho tới khi khắc phục xong.” - ông Hưng nói.  

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu dòng xe này phải làm việc các nhà sản xuất ô tô ở nước ngoài, yêu cầu có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt hoặc gửi kèm theo ô tô bất kỳ thiết bị, tài liệu, hình ảnh nào vi phạm pháp luật của Việt Nam, kể cả dưới dạng điện tử.

Bộ Công Thương đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô rà soát, báo cáo tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm bản đồ trên ô tô, báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 15/9/2019. Các doanh nghiệp này phải yêu cầu nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật về thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam; doanh nghiệp phải rà soát các hợp đồng, văn bản pháp lý giao kết với người bán hàng về vấn đề này.

“Các doanh nghiệp phải kiểm soát chặt chẽ toàn bộ các xe ô tô trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, đảm bảo không gắn bất kỳ thiết bị, tài liệu nào có hình ảnh vi phạm pháp luật về thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam” - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Để ngăn chặn các hành vi tương tự có thể xảy ra trong tương lai, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Giao thông vận tải tăng cường phối hợp trong việc quản lý ô tô nhập khẩu.

“Đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn của tất cả các ô tô nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu từ Trung Quốc. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm đưa việc kiểm tra nội dung thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn vào quy trình kiểm tra đối với tất cả ô tô trước khi đưa ra thị trường” - ông Hưng cho hay.

Thông tin thêm về vụ việc này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Người phát ngôn Chính phủ - nhấn mạnh “đây là việc chúng ta phải suy nghĩ” và đặt câu hỏi trách nhiệm của các cơ quan như thế nào?

“Ô tô nhập khẩu theo lô, chúng ta rất tạo điều kiện cho các nhà nhập khẩu, nhưng vi phạm thì doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu trách nhiệm đầu tiên trước pháp luật. Đồng thời, khuyến cáo với người dân khi dùng sản phẩm từ nước ngoài về phải cảnh giác, không để phát tán “đường lưỡi bò” tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam.” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.

Bộ Công Thương: Vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc rất nghiêm trọng! - 2
Bản đồ "đường lưỡi bò" trên xe Volkswagen Touareg V6 3.0L tại triển lãm (ảnh: Việt Hưng)

Trước đó, xe Volkswagen Touareg V6 3.0L trưng bày tại Triển lãm ô tô Việt Nam có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc, vi phạm chủ quyền Việt Nam đã và đang gây nhiều bức xúc cho dư luận.

Khi phát hiện ra sự việc, ông Đỗ Nguyên Vương - Tổng Giám đốc công ty VW Việt Nam - giải thích nguyên nhân là do “VW Việt Nam sơ suất không kiểm tra kỹ trước khi đem xe trưng bày tại triển lãm”.

Cũng theo Tổng Giám đốc công ty VW Việt Nam, chiếc xe đã được ngắt kích hoạt chế độ định vị bản đồ và (sẽ được) tái xuất đúng hạn quy định của hải quan Việt Nam. Ông Vương khẳng định đây không phải là mẫu xe để bán tại thị trường Việt Nam, xe sẽ bán tại Việt Nam là loại được sản xuất ở Slovakia.

Xử lý vụ việc này, Tổng cục Hải quan cho biết: Hành vi nhập khẩu ô tô có thiết bị định vị vệ tinh có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường sử dụng các hình ảnh không đúng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cơ quan hải quan TP.HCM xử phạt Công ty TNHH ô tô Thế giới, mức phạt tiền 40 - 60 triệu đồng, theo điểm a khoản 4 điều 28 Nghị định 159/2013/NĐ-CP.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn bị xử phạt 10 - 20 triệu đồng về hành vi tự ý thay đổi nguyên trạng hàng hóa tạm nhập - tái xuất. Đó là tự ý tắt chức năng định vị, gỡ bỏ bản đồ ứng dụng có hình lưỡi bò.

Về các căn cứ xử lý vi phạm, Tổng cục Hải quan cho biết, đối với đơn vị tổ chức trưng bày ô tô là Công ty TNHH ô tô VW Việt Nam, cơ quan hải quan phạt tiền 20 - 40 triệu đồng theo điểm b khoản 1 điều 20 Nghị định 159/2013/NĐ-CP

Xử lý chiếc xe ô tô Volkswagen Touareg CR745J hành vi nhập khẩu ô tô có thiết bị định vị vệ tinh (GPS) có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường (Navigator) sử dụng các hình ảnh không đúng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam (hành vi do Công ty TNHH ô tô Thế giới thực hiện): phạt tiền từ 40 - 60 triệu đồng theo điểm a khoản 4 Điều 28 Nghị định 159/2013/NĐ-CP (hành vi vi phạm do tổ chức thực hiện).

Bộ Công Thương: Vụ xe Volkswagen gắn “đường lưỡi bò” Trung Quốc rất nghiêm trọng! - 3
Chiếc xe Volkswagen Touareg V6 3.0L được trưng bày tại triển lãm (ảnh: Việt Hưng)

Hành vi tự ý thay đổi nguyên trạng hàng hóa tạm nhập - tái xuất (tự ý can thiệp tắt chức năng định vị, gỡ bỏ bản đồ ứng dụng có hình lưỡi bò): Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo điểm d Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 45/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ.

Trong khi đó, hành vi trưng bày ô tô có thiết bị định vị vệ tinh (GPS) có cài đặt phần mềm ứng dụng dẫn đường (Navigator) sử dụng các hình ảnh không đúng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam (hành vi do Công ty TNHH ô tô VW Việt Nam thực hiện) bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng theo điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định 159/2013/Nghị định Chính phủ.

Châu Như Quỳnh