Quảng Nam:

“Xẻ” vỉa hè cho thuê

Vỉa hè đường đê Bạch Đằng dài 3km ven sông Bàn Thạch, thuộc phường Phước Hòa, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam đang bị UBND phường và thành phố “xẻ” ra cho người dân thuê làm quán nhậu.

“Xẻ” theo chủ trương

Đường đê Bạch Đằng không chỉ là tuyến giao thông mà còn là tuyến đê ngăn lụt do thủy triều sông Bàn Thạch dâng cao vào mùa mưa. Dọc vỉa hè của đường có trồng nhiều cây xanh tạo cảnh quan môi trường sinh thái cho người dân Tam Kỳ. Thế nhưng chưa có người dân nào được hưởng cảnh quan của con đường này, trừ dân nhậu. Bởi từ khi được xây dựng và hoàn thành đến nay, con đường này không còn một khoảng trống nào, các chủ quán nhậu kê dày đặc bàn ghế, bếp núc nấu nước, rồi xe cộ...

“Xẻ” vỉa hè cho thuê

Vỉa hè đường Bạch Đằng được UBND phường Phước Hòa và UBND TP.Tam Kỳ cho thuê mở quán, gây mất mỹ quan thành phố.

Ông Lê Đình Thành -Phó Chủ tịch UBND phường Phước Hòa, thừa nhận: “Các quán nhậu đang buôn bán tại vỉa hè đường đê Bạch Đằng thuộc khu vực phường là do phường cho thuê tính theo mùa. Khoảng 30 hộ kinh doanh, mỗi tháng nộp phí từ 1 - 1,2 triệu đồng/hộ cho phường. Việc cho thuê vỉa hè là chủ trương của TP.Tam Kỳ cho phép khai thác mặt bằng công theo Quyết định số 1714 của UBND TP.Tam Kỳ (do ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ ký ngày 10.4.2012) nhằm tạo thêm nguồn thu kinh phí cho địa phương.

Cũng theo ông Thành, ngoài vỉa hè đường đê Bạch Đằng, phường này còn “xẻ” vỉa hè nhiều tuyến đường khác để cho người kinh doanh thuê, như tuyến đường Phan Châu Trinh, Trần Cao Vân...

10 năm “giết chết” vỉa hè

Ngoài phường Phước Hòa, UBND TP.Tam Kỳ còn cho phép Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Phạm Trường (đóng tại TP.HCM) xây dựng khu phố ẩm thực Tuấn Mập Sài Gòn ngay trên vỉa hè đường đê Bạch Đằng, với vị trí từ cửa ngăn triều đến chỉ giới đường N10, trong thời hạn không quá 10 năm. Ngoài ra, thành phố còn đồng ý cho doanh nghiệp trên được phép xây phòng VIP ngay trên vỉa hè…

Ông Văn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, lý luận với PV NTNN: “Biết là vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ, nhưng trong quá trình phát triển đô thị, chúng ta cũng phải tính đến hoạt động mua bán dịch vụ tận dụng từ vỉa hè. Vì vậy việc cho thuê vỉa hè cũng là mục đích nhằm có thu nhập cho người thuê và cả địa phương”.

Trong khi các địa phương khác chính quyền đuổi các hộ kinh doanh để lấy lại vỉa hè cho người đi bộ, thì tại Tam Kỳ, UBND thành phố lại biến vỉa hè thành quán nhậu, tự làm nhếch nhác đô thị của mình, và xóa bỏ công năng hợp pháp của nó là nơi đi lại của con người. Làm sao có thể tranh luận với một cơ quan như vậy? Thiết nghĩ, chỉ có các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Nam mới có thể “tranh luận” được với UBND TP.Tam Kỳ.

Theo Hồng Phong
Dân Việt