1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Xe và linh kiện ô tô từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia ùn ùn về Việt Nam

(Dân trí) - Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và lắp ráp của các nhà máy ô tô trong nước, 7 tháng đầu năm Việt Nam bỏ ra hơn hơn 3 tỷ USD để nhập xe ô tô nguyên chiếc và linh kiện phụ tùng, trong đó riêng thị trường 3 nước ASEAN là Thái Lan, Malaysia và Indonesia đã chiếm 1/3.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) công bố, 7 tháng đầu năm Việt Nam chi hơn 1,26 tỷ USD nhập xe hơi nguyên chiếc, hơn 1,8 tỷ USD nhập linh phụ kiện, phụ tùng ô tô phục vụ ngành lắp ráp xe hơi trong nước.

Xe và linh kiện từ ASEAN ùn ùn vào Việt Nam
Xe và linh kiện từ ASEAN ùn ùn vào Việt Nam

Hàng tỷ USD chi nhập linh kiện lắp ráp ô tô Việt

Khi Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển ô tô, nội địa hoá ngành này thì theo thời gian, lượng nhập linh phụ kiện ô tô ngày càng tăng mạnh. 7 tháng đầu năm, Việt Nam chi 1,8 tỷ USD để nhập linh kiện ô tô, bằng 51% so kim ngạch nhập mặt hàng này cả năm 2016 (hơn 3,5 tỷ USD).

Đáng nói, trong 5 năm trở lại đây, kim ngạch nhập linh kiện, phụ tùng của Việt Nam năm sau cao hơn năm trước, từ 1,67 tỷ USD năm 2013, tăng lên 2,2 tỷ USD năm 2014, 3 tỷ USD năm 2015 và 3,5 tỷ USD năm 2016. Để phục vụ cho hơn 20 nhà sản xuất, Việt Nam đã và đang trở thành nước nhập khẩu, nhập siêu mặt hàng linh kiện ô tô với giá trị cao, để phục vụ cho ngành lắp ráp xe hơi, tiêu thụ trong nước.

Trong khi đó, hiện chưa dòng xe nào được lắp ráp tại Việt Nam được xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có thị trường ASEAN, khi từ năm 2018 (đáp ứng điều kiện nội địa hoá 40%) sẽ được miễn thuế xuất khẩu đi 10 thị trường còn lại.

Trong số các thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều linh kiện nhất có Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN và Trung Quốc. Trong 4 thị trường trên, thì ba nước ASEAN là Thái Lan, Malaysia, Indonesia nổi lên là nhà cung cấp cung ứng linh phụ kiện lớn nhất cho Việt Nam.

Minh chứng là 7 tháng đầu năm 2017, theo Tổng cục Hải quan, số linh phụ kiện Việt Nam nhập của 3 nước trên đã đạt kim ngạch hơn 614 triệu USD, chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu linh phụ kiện các thị trường.

Nhập khẩu linh kiện từ các nước ASEAN, hiện đang được ưu đãi về thuế quan so với nhập từ các nước ngoài khu vực, do đó kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này thời gian qua đã tăng mạnh, luôn chiếm tỷ lệ cao. Cả năm 2016, Việt Nam cũng chi hơn 865 triệu USD để nhập linh phụ kiện từ 3 nước trên, chiếm 1/4 kim ngạch nhập khẩu so với các nước. Năm 2015, Việt Nam cũng chi 751 triệu USD, chiếm 1/4 kim ngạch nhập khẩu cả năm.

Xe ASEAN tràn ngập, đâu là giấc mơ xe Việt xuất ngoại?

Trong chiến lược của mình, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ ưu đãi thêm nhiều chính sách để hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp xe như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần gia tăng trong nước, khuyến khích các DN đầu tư mới, sản xuất, lắp ráp các loại xe mới xuất khẩu vào ASEAN…

Cùng với đó, một số DN lắp ráp ô tô 100% vốn tư nhân Việt Nam đã tỏ rõ quyết tâm xuất khẩu “ngược” xe ô tô vào ASEAN, kêu gọi Chính phủ có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ các DN trong nước, trong đó có kiến nghị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với dòng xe bán tải trên 4 chỗ (pickup) bằng với xe du lịch; áp phí trước bạ đối với dòng xe này tương tự như các dòng xe cùng dung tích, cùng số chỗ ngồi.

Tuy nhiên, khác với sự rốt ráo của các DN lắp ráp 100% vốn tư nhân, điều dễ nhận thấy là các liên doanh lắp ráp có vốn nước ngoài và vốn của Nhà nước Việt Nam lại khá bình thản, thậm chí chẳng cần tuyến bố gì cho việc nâng cao tỷ lệ nội địa hoá theo thời gian biểu cũng như sẽ xuất khẩu ô tô “Made in Vietnam” vào Thái Lan, Philippines hay Indonesia.

Theo nhận định của các chuyên gia, các liên doanh không rốt ráo trong chiến dịch xuất khẩu ra nước ngoài bởi họ hiện đã khá vững chân ở Việt Nam, chỉ muốn khai thác thị trường hơn 94 triệu dân với mức thu nhập đang tăng mạnh và tỷ lệ người sở hữu xe đang rất thấp. Bên cạnh đó, một số liên doanh lớn như Honda, Toyota, Ford… cũng có hệ thống DN toàn cầu của họ tại các chính các nước Indonesia, Thái Lan, Philippines, nên họ không dại gì đem chính sản phẩm của mình cạnh tranh với mình.

Trong khi chính sách phát triển của ngành ô tô trong nước còn nhiều bàn cãi và DN trong nước đang phải đối mặt với biến động mạnh, thì trước thềm năm 2018, khi thuế quan xe nguyên chiếc nhập về được bãi bỏ hoàn toàn, chúng ta đã thấy lượng xe Thái Lan, Indonesia nhập về Việt Nam cực mạnh.

Với xe Thái Lan, 7 tháng đầu năm, đã có gần 22.000 chiếc xe nhập về Việt Nam, tăng hơn 17% (khoảng 3.200 chiếc) so với cùng kỳ năm trước. Xe Indonesia, đạt 12.600 chiếc, tăng hơn 11.000 chiếc (khoảng 800%) so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là bắt đầu từ năm 2017, xe Indonesia mới đổ bộ ồ ạt vào Việt Nam khi thuế nhập khẩu xe hơi nguyên chiếc từ ASEAN được giảm thuế từ 40% (trước năm 2017) xuống 30% (sau ngày 1/1/2017) nếu thoả mãn điều kiện đạt tỷ lệ nội địa hoá 40%.

Ngoài ô tô xuất xứ Thái và Indonesia, tại ASEAN còn có hai nước có ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi đáng gờm khác là Malaysia và Philippines. Với Malaysia, hãng xe số 1 của họ là Proton đã thuộc về tay một hãng xe giá rẻ Trung Quốc (Geely). Geely hiện đang là hãng xe sở hữu thương hiệu xe sang Thuỵ điển là Volvo. Tại Trung Quốc đây là thương hiệu xe nội địa được sản xuất và xuất khẩu đi nhiều nước châu Phi và sắp tới sẽ tấn công thị trường ASEAN và Việt Nam thông qua việc thâu tóm Proton.

Nguyễn Tuyền