1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Xe ôm" Grab: Nghe danh "đối tác" mà sang, chúng tôi chẳng được đàm phán

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Một tài xế GrabBike chia sẻ việc mình cùng nhiều đồng nghiệp muốn được áp dụng các chính sách an sinh hiện hành của nhà nước khi là nhân viên chính thức của hãng xe công nghệ thay vì "mác" đối tác.

Xe ôm Grab: Nghe danh đối tác mà sang, chúng tôi chẳng được đàm phán - 1

Tài xế Grab muốn làm nhân viên thay vì làm đối tác.

Kiến nghị để được làm... nhân viên

Đón khách đi trên chiếc xe máy cũ, anh Văn Sơn - tài xế GrabBike thao thao kể chuyện về bức xúc của cánh tài xế mấy hôm nay trên suốt chuyến đi.

Anh Sơn nói, mới nhất đến sáng nay vẫn rất nhiều anh em "hô hào" tiếp tục đình công, đòi đối thoại với Grab về chính sách khấu trừ mới đối với tài xế cũng như việc tăng giá cước.

"Nói là đối tác nghe cho sang, nhưng chúng tôi không có quyền đàm phán. Các anh em còn đang hô hào cùng ký tên, gửi đơn kiến nghị yêu cầu cầu Grab công nhận những lái xe trên 1 tháng là nhân viên thay vì cái mác đối tác", anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn chia sẻ việc mình cùng nhiều đồng nghiệp khác muốn được áp dụng các chính sách an sinh hiện hành của nhà nước khi đủ điều kiện là nhân viên chính thức của hãng xe công nghệ thay vì là đối tác.

Xe ôm Grab: Nghe danh đối tác mà sang, chúng tôi chẳng được đàm phán - 2
Nhiều tài xế viết đơn kiến nghị để họ làm nhân viên thay vì cái "mác" đối tác.

Thực tế khi trao đổi với nhiều tài xế "xe ôm" công nghệ, họ cũng thấy cuộc sống trở nên bấp bênh hơn với cái danh đối tác. Bởi việc coi tài xế là đối tác, các hãng xe công nghệ không phải chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu cho hàng triệu tài xế.

"Tôi cũng chẳng muốn bỏ công bỏ việc để đình công, đi đòi đối thoại làm gì. Đằng sau là cả một gia đình phải lo, nghỉ ngày nào túng ngày đó, nhưng nếu cứ lầm lũi chấp nhận thì sau này thu nhập càng khó khăn. Rồi mỗi lúc họ thích thay đổi như thế nào cũng được", anh V.T - một tài xế xe công nghệ khác chia sẻ.

Thực tế, cứ nhìn lại cách Grab chọn cách tăng giá cước để bù lại VAT, còn lại khấu trừ trên doanh thu thì có thể thấy, dù phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi như lời doanh nghiệp này nói thì thu nhập trên thực tế của các tài xế vẫn sẽ giảm.

Đồng thời khách hàng khi phải trả thêm tiền cho mỗi cuốc xe cũng sẽ đặt ra bài toán cạnh tranh cho chính các tài xế. Trong khi "đối tác" gặp khó khăn, dường như Grab đang đứng ngoài cuộc dù phía doanh nghiệp này có khẳng định, trước và ngay sau khi nghị định 126 ban hành, Grab đã tích cực chủ động tham gia góp ý trình bày cụ thể về tác động của nghị định tới cơ quan quản lý thuế, đồng thời nhiều lần gửi văn bản xin hướng dẫn thực hiện nghị định.

Tổng cục Thuế vào cuộc

Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật BASICO cho rằng chi phí của các tài xế bỏ ra hiện nay rất lớn, từ phương tiện, xăng xe đến công sức trên mỗi cuốc xe.

Nếu vẫn đánh thuế 10% tổng cuốc xe mà không có các khoản khấu trừ thì thuế này không còn là VAT nữa mà nó giống thuế doanh thu. Nêu hướng giải quyết, vị luật sư cho rằng cần phải xem xét lại chính sách thuế.

Liên quan đến các phản ánh của tài xế, trong diễn biến mới nhất, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ cá nhân, Tổng cục Thuế đã lên tiếng cho biết, theo quy định tại Nghị định 126, tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) phải có trách nhiệm khai thuế giá trị gia tăng (VAT) và xuất hóa đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức.

Các tổ chức này chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế VAT theo quy định không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân.

Trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định.

Theo Tổng cục Thuế: "Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế". Tổng cục Thuế cũng cho biết cơ quan này đã có giấy mời đại diện Grab giải trình về việc này.