Xe nhập vẫn giữ giá cao, "chấp" ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ

(Dân trí) - Bất chấp các mẫu xe cùng phân khúc sản xuất và lắp ráp trong nước được giảm 50% phí trước bạ, nhiều mẫu xe sang nhập khẩu từ châu Âu, Nhật vẫn không hề giảm giá.

Xe sang miễn nhiễm với giảm 50% phí trước bạ

Theo khảo sát của phóng viên Dân trí tại một số đại lý của Audi, Mercedes, Lexus hay BMW, các dòng xe sang nhập khẩu nguyên chiếc đều giảm giá rất ít, thậm chí không xem việc xe trong nước giảm 50% phí trước bạ là tiêu chí để các đại lý phải giảm giá bán xe.

Xe nhập vẫn giữ giá cao, chấp ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ - 1

Các mẫu xe nhập vẫn còn giữ giá cao, đa số dòng xe trong nước không có mẫu xe nào đủ sức cạnh tranh ở mức giá gần 3 tỷ đồng/xe lăn bánh

Nhân viên của một số đại lý xe hơi cho biết, khách đến với xe nhập chủ yếu là do thương hiệu và thị hiếu xe, nói chung về cơ bản là người có điều kiện, chính vì vậy tiêu chí đặt ra khi tiếp cận các mẫu xe nhập đều không phải vì giá cả mà là chất lượng, đẳng cấp.

Hầu hết các mẫu xe của Lexus đều không được giảm giá bán, đơn cử mẫu RX 300 có giá bán đại lý gần 3,2 tỷ đồng, mức giá lăn bánh sau khi đã cộng thêm 12% phí trước bạ, biển là trên 3,6 tỷ đồng. Trong khi đó, mẫu ES 250 có giá bán đại lý hơn 2,5 tỷ đồng, giá lăn bánh và biển Hà Nội vào khoảng 3 tỷ đồng.

Mẫu xe Audi A4 được nhân viên giới thiệu có giá bán gần 2,2 tỷ đồng, mức giá giảm hỗ trợ là 30 triệu đồng trực tiếp vào xe, giá lăn bánh đến tay người tiêu dùng là khoảng 2,4 tỷ đồng.

Mẫu BMW 3, 320i Sport đời 2020 có giá bán đại lý gần 1,9 tỷ đồng, giá lăn bánh đến tay người tiêu dùng là hơn 2,1 tỷ đồng. Trong khi đó, mẫu SUV của Mercedes GLC 300 đời 2020 có giá bán đại lý hơn 2,5 tỷ đồng, giá đến tay người tiêu dùng là hơn 3 tỷ đồng.

Xe nhập vẫn giữ giá cao, chấp ô tô trong nước được giảm 50% phí trước bạ - 2

Các mẫu xe nhập giá trên 2 tỷ đồng chắc chắn doanh số bán ra năm 2020 sẽ bị tác động mạnh do nhu cầu xuống thấp sau dịch

Các mẫu xe nhập của Audi, Lexus, BMW hay Mercedes có giá trên 2,5 đến 3 tỷ đồng hiện phải cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe sang của Mercedes GLC 200, E180... lắp ráp trong nước có mức giá tương đương và được giảm 50% phí trước bạ.

Theo một số nhân viên bán xe sang nhập khẩu tại Hà Nội, các hãng xe nhập không có bất kỳ động thái giảm giá nào trước việc Chính phủ cho giảm 50% phí trước bạ xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Nguyên nhân các dòng xe nhập khẩu không giảm bởi mức giá và phân khúc của xe này đều hơn hẳn so với xe trong nước.

Hiện tại, ngoài một số dòng xe sang của Mercedes được lắp ráp tại Việt Nam, thị trường không có mẫu xe lắp ráp trong nước có giá bán đại lý trên 2 tỷ đồng. VinFast Lux SA bản Premium có mức giá cao nhất cũng chỉ trên 1,8 tỷ đồng, Hyundai SantaFe của Thành Công cũng chỉ có giá cao nhất 1,3 tỷ đồng, Peugeot 5008 có mức giá cao nhất cũng chỉ đạt trên 1,3 tỷ đồng...

"Mức giá khu biệt, không có đối thủ, trong khi thị trường mục tiêu, khách hàng đặc thù nên dường như xe sang nhập khẩu không có đối thủ cạnh tranh. Người có nhu cầu mua xe sang nhập khẩu cũng không muốn mua các dòng xe thấp hơn vì sở thích, thị hiếu hoặc thói quen", anh Bình - nhân viên bán xe của một hãng xe hơi tại Phạm Hùng (Hà Nội) cho biết.

Phân khúc dưới 1,5 tỷ đồng đang cạnh tranh gay gắt

Mặc dù, thị trường xe sang phân khúc trên 2 tỷ đồng trầm lắng nhưng ở phân khúc dưới 2 tỷ đồng lại chứng kiến sự cạnh tranh nhộn nhịp trở lại kể từ sau dịch covid-19. Và cuộc chiến giá cả trong phân khúc này được các chuyên gia cho biết là mới chỉ bắt đầu.

xe nhập.jpg

Vì giá cao, giá không chiết khấu nên các mẫu xe nhập khá vắng khách

Cụ thể, mẫu Honda CRV bản cao cấp nhất hiện có giá gần 1,1 tỷ đồng đang được các đại lý hỗ trợ giảm từ 30 đến 50 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, bản xe nhập là Toyota Fortuner 2.8V cũng được một đại lý tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) giảm 100 triệu đồng, xuống mức 1,2 tỷ đồng. Mẫu Ford Titanium bản 2 cầu giá bán hiện khoảng gần 1,4 tỷ đồng, các đại lý và nhân viên hỗ trợ thêm từ 100 đến 120 triệu đồng và tặng phụ kiện. Mức giá các dòng xe này chủ yếu cạnh tranh với các mẫu xe lắp ráp trong nước như SantaFe, Mazda CX8.

Hiện, với việc giảm 50% phí trước bạ cho xe trong nước, phân khúc cạnh tranh gay gắt nhất giữa xe lắp ráp và xe nhập là SUV, Crossover và MPV. Các bản xe SUV nhập khẩu như Ford Everest, Toyota Fortuner, Mitsubishi Pajero hay Nissan Terra không có nhiều đối thủ lắp ráp trong nước, song với mức giá dưới 1,5 tỷ đồng, các dòng xe này đã và đang bị thu hút khách hàng bởi nhiều mẫu xe khác trong các phân khúc như Peugeot 5008, Hyundai SantaFe, Mazda CX8, thậm chí cả Hyundai Tucson..

Ở phân khúc Crossover, xe nhập như Honda CRV đang bị cạnh tranh bởi chính Mazda CX5, Hyundai Tucson. Ở dòng MPV, Kia Rondo, và Toyota Innova bản lắp ráp trong nước đang có lợi thế về phí trước bạ so với các mẫu như Mitsubishi Xpander, Suzuki XL7.

An Linh