Xe nhập tăng "sốc", xe lắp ráp lâm vào thế khó mùa xe cuối năm

(Dân trí) - Tính đến giữa tháng 9/2019, lượng xe nhập về Việt Nam đã đạt khoảng 102.000 chiếc, trong đó có gần 76.000 chiếc là xe con. Lượng xe nhập tăng hơn 200% cùng kỳ năm trước khiến áp lực và khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết ngày 15/9, lượng xe nhập đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2018 và gần 50% so với năm 2017. Các năm 2018, lượng xe nhập đến ngày 15/9 chỉ đạt hơn 33.000 chiếc, con số thấp hơn nhiều so với hơn 102.000 chiếc hiện nay.

Xe nhập tăng sốc, xe lắp ráp lâm vào thế khó mùa xe cuối năm - 1

Lượng xe nhập tăng sốc gần đây khiến áp lực cạnh tranh trên thị trường xe trở nên khốc liệt cuối năm

Năm 2017 cũng vậy, tính đến ngày 15/9, lượng xe nhập về là 68.100 chiếc, chỉ bằng số nửa hiện nay.

Hiện, lượng nhập xe du lịch đang tăng rất mạnh, cả nước đã nhập khoảng 75.800 chiếc xe con, tăng hơn 68.000 chiếc so với năm 2018 và gần 34.000 chiếc so năm 2017.

Lượng xe nhập năm 2019 tăng rất mạnh, đặc biệt là xe con, 9 tháng đầu năm xe con nhập khẩu tăng hơn 54.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước (khoảng 250%), so với cùng kỳ năm 2017, lượng xe con tăng hơn 42.000 chiếc, tăng hơn 130%.

Đáng chú ý, lượng xe nhập hiện nay đã đuổi gần kịp với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, nếu tính về công suất tiêu thụ trên thị trường.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 8 tháng qua, lượng xe lắp ráp của 11 thương hiệu ô tô trong nước và cộng thêm với lượng xe của Tập đoàn Thành Công là khoảng 167.000 chiếc. Trong khi đó, lượng xe nhập đã vào khoảng 102.000, đuổi gần kịp với lượng xe lắp ráp trong nước.

Trong khi đó, ở lượng cung, doanh số các hãng xe trong nước tính đến tháng 8/2019 giảm khoảng 20.000 chiếc so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, xe nhập khẩu đạt hơn 82.800 chiếc, tăng hơn 53.000 chiếc, tăng hơn 170% so với cùng kỳ năm trước.

Thực tế này chứng tỏ thị trường Việt vẫn hấp thụ rất mạnh xe nhập. Người tiêu dùng trong nước có thể vui khi các mẫu xe đa dạng, cạnh tranh nhau được đưa về thị trường nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là tín hiệu không hề vui đối với các doanh nghiệp trực tiếp lắp ráp, sản xuất xe hơi.

Đáng chú ý hơn nữa là giá xe nhập đang có xu hướng giảm đi nhanh và mạnh. Tính đến thời điểm này, thị trường xe nhập Việt đã đạt 2,26 tỷ USD, trung bình giá xe nhập về Việt Nam khoảng 510 triệu đồng, trong đó xe con dưới 9 chỗ ngồi có giá khoảng 430 triệu đồng/chiếc.

Giá xe nhập cùng kỳ năm trước khoảng 544 triệu đồng/chiếc, xe con khoảng, xe con là 484 triệu đồng/chiếc. Năm 2017, giá xe nhập bình quân khoảng 490 triệu đồng/chiếc, trong đó xe con khoảng 400 triệu đồng/chiếc. Như vậy, so với xe giá năm 2018, năm 2019 xe nhập về Việt Nam có giá bình quân rẻ hơn đáng kể. Điều này được cho là xe nhập chủ yếu là phân khúc xe nhỏ, giá rẻ từ Thái Lan, Indonesia về Việt Nam.

Ở một chiều hướng khác, các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam đang phải nhập lượng lớn linh kiện sản xuất xe hơi từ nước ngoài với kim ngạch tăng trên 10% qua các năm.

Cụ thể, tính đến hết ngày 15/9, các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chi gần 2,9 tỷ USD nhập linh phụ kiện, tăng hơn 13% so với năm 2018 và 31% so với năm 2017.

Theo một số doanh nghiệp lắp ráp xe hơi lớn, kim ngạch các loại linh kiện ô tô tăng mạnh chủ yếu do giá các loại linh kiện đang có giá cao hơn và lượng nhập nhiều hơn. Nguồn nhận linh kiện chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... các loại linh kiện nhập chủ yếu là động cơ, khung, vỏ tách rời hoặc toàn bộ khung xe, thân xe.

Lượng nhập linh kiện gia tăng một phần do một số doanh nghiệp lớn tăng lắp ráp mẫu xe, dòng xe như Toyota, Hyundai Thành Công, Thaco và sự khó khăn về tỷ lệ nội địa hóa trong nước không cung ứng đầy đủ cho các hãng xe hơi. Đây là một cái khó, khiến các doanh nghiệp xe hơi trong nước bất lợi trước làn sóng tăng xe nhập ồ ạt từ giờ đến cuối năm và sang năm 2020.

An Linh