Lý do nào giúp ô tô nhập khẩu tạo ưu thế trước xe nội?
Việc được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo ATIGA cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nhất (35%) đang giúp xe nhập có giá bán rẻ hơn xe nội.
Theo báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), 8 tháng đầu năm 2019, doanh số xe sản xuất lắp ráp trong nước vẫn cao hơn xe nhập khẩu với tương quan 119.744/82.823 chiếc. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, xe sản xuất lắp ráp sụt giảm doanh số 14% trong khi ô tô nhập khẩu tăng trưởng tới 178% và khoảng cách đang được rút ngắn với tốc độ chưa từng có.
Tiên liệu xấu cho xe nội
Thực tế trong khi nhiều mẫu xe lắp ráp như Toyota Vios, Innova hay Mazda CX-5,… đang phải giảm giá mạnh để giữ thị phần thì những mẫu xe nhập khẩu giá rẻ mới ra nhập thị trường như Mitsubishi Xpander hay Suzuki Ertiga đã bán rất chạy, thậm chí còn không đủ hàng.
Mitsubishi Xpander là mẫu xe 7 chỗ giá rẻ, cạnh tranh trực tiếp ở phân khúc MPV (xe đa dụng) dù mới ra mắt hơn 1 năm nhưng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Trong 8 tháng đầu năm 2019, Xpander trở thành mẫu MPV bán chạy nhất Việt Nam với 9.904 chiếc. Mới đây, ngày 30/8, Mitsubishi Motors Việt Nam đã trao chiếc Xpander thứ 10.000 cho khách.
Một mẫu xe 7 chỗ nhập khẩu mới ra mắt khác là Suzuki Ertiga cũng đang thu hút sự chú ý. Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện phòng Marketing Công ty Suzuki Việt Nam cho hay, Suzuki Ertiga vừa được giới thiệu tới khách hàng ngày 29/6 nhưng chỉ 1 tháng sau đã có đến 3.000 đơn đặt hàng và khả năng thành công là rất lớn.
Ngoài ra, một loạt các mẫu xe nhập khẩu khác như: Honda CR-V, Ford Ranger, Toyota Camry… sau khi được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% cũng liên tục vượt qua các mẫu xe lắp ráp, đứng Top đầu phân khúc.
Lý do nào khiến ô tô nhập khẩu hưởng lợi thế?
Việc được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% theo ATIGA cộng với thuế tiêu thụ đặc biệt thấp nhất (35%) đang giúp xe nhập có giá bán rẻ hơn xe nội.
Về nước từ cuối năm 2017, lô xe Honda CR-V nhập khẩu đầu tiên vẫn phải chịu 30% thuế nhập khẩu và 40% thuế tiêu thụ đặc biệt, khiến giá bán chiếc xe này khi đó cao ngất ngưởng, từ 1,136 - 1,256 tỷ đồng. Thế nhưng đối với lô xe tiếp theo hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% và thuế tiêu thụ đặc biệt được giảm 5% (từ 40% xuống còn 35%), giá bán mẫu xe này chỉ còn 958 - 1.068 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng tiểu ban chính sách, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cho hay, hiện so với xe lắp ráp trong nước, ô tô nhập khẩu từ khu vực ASEAN được lợi rất nhiều. Đầu tiên là giá thành xuất xưởng rẻ hơn xe sản xuất trong nước từ 15 - 20%. Bên cạnh đó, khi áp các loại thuế mới đã tạo ra chênh lệch về mức giá bán lẻ so với xe lắp ráp. Cùng với đó, các hãng nhập khẩu làm thương mại nên các dòng sản phẩm đa dạng hơn, không phải đầu tư sản xuất tốn kém, tuân thủ nhiều loại quy định như xe lắp ráp.
Giám đốc một DN logistics làm dịch vụ cho nhiều hãng ô tô tại Việt Nam cho biết, chi phí vận chuyển xe nhập khẩu không có gì thay đổi vì được tính theo đầu xe. Việc nhiều hãng xe chuyển từ lắp ráp sang nhập khẩu có thể do chính sách từ phía hãng mẹ. Hãng xe đã có chính sách lắp ráp mẫu xe đó tại một nước khác để xuất khẩu đi nhiều nước, không có chuyện Việt Nam cứ muốn sản xuất lắp ráp xe nào là được.
Bên cạnh đó, chi phí để sản xuất ra một mẫu ô tô ở nước ngoài, ví dụ như Thái Lan hay Indonesia thấp hơn so với Việt Nam. Kể cả cộng thêm các chi phí logistics, xe nhập khẩu về tới Việt Nam vẫn có giá thành rẻ hơn so với xe lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, cung ứng phụ tùng ở Thái Lan hay Indonesia tốt hơn. “Hy hữu lắm do nhu cầu thị trường nào đó cao, không đủ cung ứng hoặc năng lực nước sản xuất thấp thì thị trường khác mới được phép sản xuất lắp ráp, như Mitsubishi Xpander”, vị giám đốc cho biết thêm.
Ngoài ra, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN hưởng thuế 0% trong khi lắp ráp tại Việt Nam vẫn phải nhập linh kiện và đóng thuế nhập khẩu từ 0 - 30% tùy từng loại nên rất khó cạnh tranh. Ví dụ nhập lốp về để lắp vào ô tô bán ra phải chịu thuế, trong khi nhập cả ô tô đã có lốp thì không mất thuế.
Trước tình trạng xe nhập ngày càng lấn lướt xe nội, tại Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam diễn ra ngày 24/9, đại diện Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công thương báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với xe nhập khẩu nguyên chiếc. Trong đó sẽ nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5 - 10 năm.
Theo Thanh Tùng
Báo Giao thông