Xe lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu 0% thuế từ ASEAN

(Dân trí) - "Trong bối cảnh hiện nay, quy mô thị trường và trình độ phát triển, chúng tôi phải thừa nhận rằng xe sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ các nước ASEAN"

Đây là khẳng định của Nhóm Công tác ngành ô tô xe máy tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VPF) vừa được tổ chức mới đây.


Nhóm Công tác về ô tô xe máy của VPF khẳng định: Xe lắp ráp, sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ ASEAN.

Nhóm Công tác về ô tô xe máy của VPF khẳng định: Xe lắp ráp, sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh được với xe nhập khẩu từ ASEAN.

Theo đó, Nhóm Công tác trên ủng hộ việc Chính phủ chủ trương hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp ô tô và ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Đồng thời, Nhóm cũng đề nghị Chính phủ có những giải pháp đồng bộ như: duy trì và thúc đẩy thị trường ô tô tăng trưởng ổn định và dài hạn, gồm cả việc hạn chế các tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định của thị trường.

Các chính sách về thị trường cần đảm bảo đối xử công bằng, rõ ràng và có thời gian hợp lý để các doanh nghiệp kịp chuẩn bị kế hoạch kinh doanh.

Hỗ trợ để giảm chênh lệch chi phí sản xuất giữa xe CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện nhập khẩu) và xe CBU (xe nhập khẩu nguyên chiếc) dựa trên nguyên tắc đảm bảo đối xử công bằng, minh bạch với tất cả các hãng xe trong nước.

Theo Nhóm Công tác ô tô xe máy, ngành công nghiệp ô tô có hệ thống cung cấp phức tạp và nhiều tầng (nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và nhà cung cấp nguyên vật liệu), trong đó mỗi tầng lại bao gồm rất nhiều nhà cung cấp khác nhau.

Nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD) trong khi nhà cung cấp cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Vì vậy, phát triển nhà cung cấp cần rất nhiều nỗ lực, thời gian & khả năng đầu tư.

Tuy nhiên, không nhiều nhà cung cấp đáp ứng được tiêu chuẩn QCD để tham gia chuỗi cung cấp toàn cầu. Cũng như các nhà cung cấp Việt Nam cần có bản quyền hoặc chuyển giao công nghệ hoặc thỏa thuận cấp phép từ các nhà cung cấp chính hãng.

Nhóm Công tác ô tô xe máy thừa nhận, dù thời gian qua Chính phủ đã có một số Quyết định hoặc Nghị định để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên thực tế không có quá nhiều nhà cung cấp có thể được hưởng theo chính sách vì không thể giải quyết được vấn đề có tính hệ thống do quy mô sản lượng nhỏ và thuế nhập khẩu xe CBU về 0% từ năm 2018.

Nhóm cũng khuyến nghị Chính phủ nên có ưu đãi đầu tư cho các nhà sản xuất và nhà cung cấp để họ có thể đầu tư máy móc, khuôn và đồ giá, nhằm nội địa hóa linh kiện, qua đó giúp giảm bớt tác động bất lợi của quy mô sản lượng thấp.

Bên cạnh đó, cần mời các nhà cung cấp chính tham gia vào các cuộc đối thoại về ngành ô tô và thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các điểm thảo luận rõ ràng, sau đó cần báo cáo Thủ tường thường xuyên hơn để cải thiện tính khả thi của chính sách ban hành.

An Linh

Xe lắp ráp trong nước khó cạnh tranh với xe nhập khẩu 0% thuế từ ASEAN - 2