Xế hộp “sang chảnh” ế thê thảm, buộc phải hạ giá tại Việt Nam

(Dân trí) - Giữa bối cảnh giá xe trong nước ngày càng giảm, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) tăng mạnh đối với xe sang có dung tích xi lanh cao trên 3.0L trở lên, nhiều dòng xe sang không thể đứng ngoài cuộc, bắt buộc phải “nhúng chân” vào cuộc đua giảm giá, dù cho phân khúc khách hàng hoàn toàn khác nhau.

Đến thời “sang chảnh” cũng phải giảm giá

Mặc định là dòng xe sang, đối tượng khách hàng mua được chỉ là những người có tiền nên trong cuộc chiến giảm giá xe ô tô tại Việt Nam diễn ra từ đầu năm 2017, các thương hiệu xe sang như: Lexus, Audi... được coi là miễn nhiễm, đứng ngoài cuộc đua giảm giá.

Tuy nhiên, gần đây dòng xe này đã buộc phải bước chân vào cuộc chiến giảm giá, không thể đứng ngoài cuộc chơi được.

Nhiều mẫu xe sang phải giảm lượng nhập và giảm giá tại Việt Nam (ảnh minh hoạ)
Nhiều mẫu xe sang phải giảm lượng nhập và giảm giá tại Việt Nam (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, từ tháng 2/2017, hầu hết các mẫu xe bán ra của hãng xe Lexus được giảm từ 50 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng. Trong đó, giảm ít nhất là dòng xe Lexus ES350 với 50 triệu đồng, xuống mức giá 3,21 tỷ đồng, giảm trung bình có Lexus RX350 AWD giảm 100 triệu đồng xuống 3,81 tỷ đồng, giảm nhiều nhất là dòng xe Lexus LX570 khi giảm 210 triệu đồng, xuống 7,81 tỷ đồng.

Siêu xe Porche Panamera Executive cũng bước vào giảm giá trong tháng 4, khi giảm 80 triệu đồng, xuống còn 5,58 tỷ đồng, hiện xe này vẫn có mức giá như cũ trong tháng 4/2017.

Ngoài những hãng xe sang dũng cảm giảm giá xe, nhiều hãng xe gần đây cũng đã giảm giá xe bằng nhiều chiêu trò khác nhau. Để tránh những tiếng xấu "xe sang chảnh" phải giảm giá, nhiều hãng tặng tiền trực tiếp cho người mua xe từ 40 - 80 triệu đồng/chiếc.

Một số hãng lại tặng vé đi du lịch châu Âu với số tiền tương tự như trên hoặc tặng bảo hiểm, bảo hành thân vỏ hoặc máy thêm nhiều năm sau khi hết thời hạn bảo hành tại hãng cho khách mua xe.

Đó cũng là cách để các hãng xe giành giật thị trường và thắng trong cuộc chiến về giá, song có lẽ chừng ấy vẫn chưa đủ bởi những dòng xe được quan niệm là "sang" tại Việt Nam hiện ở nước ngoài lại thuộc dòng xe tầm trung, phân khúc hạng B hoặc C.

Xe sang nhập từ Anh, Đức, Nhật giảm thê thảm ở Việt Nam

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, số lượng xe Lexus tiêu thụ 6 tháng đầu năm đã giảm hơn 140%, chỉ còn hơn 480 chiếc, giảm gần 700 chiếc so với cùng kỳ năm 2016.

Riêng tháng 6/2017, doanh số dòng xe sang của Toyota tiếp tục giảm mạnh tại Việt Nam với mức tiêu thụ chỉ đạt 99 chiếc/tháng, giảm gần 150 chiếc so với cùng kỳ năm 2016.

Xu hướng giảm giá của Lexus đang khiến dòng xe này có mức tiêu thụ thấp ở Việt Nam dù mức giá xe dao động từ 2,3 tỷ đồng (mẫu rẻ nhất) đến gần 8 tỷ đồng/mẫu đắt nhất.

Không chỉ có Lexus giảm giá, nhiều dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam từ các thị trường cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh về lượng.

Đức là quê hương của các thương hiệu xe sang như Audi, BMW - hai mẫu xe chỉ nhập nguyên chiếc, chưa lắp ráp tại Việt Nam, nhưng trong 6 tháng đầu năm, những chiếc xe sang đắt tiền của Đức đã giảm cực mạnh khoảng 150% về lượng, từ mức 1.700 chiếc trong 6 tháng năm 2016 xuống chỉ còn hơn 670 chiếc.

Các loại xe sang của Nhật như Subaru, Infiniti hay Lexus... nhập về Việt Nam cũng được ghi nhận giảm trên 50%, từ mức 4.200 chiếc 6 tháng năm 2016, nay chỉ còn hơn 2.000 chiếc. Các hãng xe Anh như Range Rover, Bentley hay Rolls-Royce từ mức nhập khẩu về Việt Nam trên 540 chiếc 6 tháng năm 2016, nay cũng chỉ còn nhập hơn 230 chiếc, giảm hơn 300 chiếc (trên 130%).

Theo nhiều chuyên gia về thị trường xe, khi hạ thuế nhập khẩu từ 40% xuống còn 30% đối với xe nguyên chiếc từ ASEAN, trong đó chủ yếu là Thái Lan, Indonesia, thị trường xe Việt Nam đã có nhiều xáo trộn, giá đã giảm mạnh và chủng loại xe đã đang dạng. Nếu năm 2018, khi thuế xe nguyên chiếc từ Thái Lan, Indonesia - vốn là trung tâm sản xuất nhiều dòng xe của Nhật Bản, Mỹ, xe nhập từ các nước này đổ bộ ồ ạt, có thể sẽ có làn sóng giảm giá xe nữa tại Việt Nam.

Chính vì vậy, nếu không cởi bỏ được định danh "xe sang", có thể nhiều hãng xe lớn nhập khẩu ở Việt Nam sẽ mất hẳn thị trường, không thể cạnh tranh với xe giá rẻ trong nước hoặc xe nhập khẩu nội khối AEC.

Nguyễn Tuyền