Xăng VN đắt hơn Mỹ: Vì phải cõng 8.244 đồng thuế phí/lít?

Xăng Việt Nam đắt do mức thuế áp dụng như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường… ở mức cao.

Theo đó, ông Nguyễn Minh Thụy, Viện kinh tế - Tài chính đề xuất, nên giảm thuế để mức giá xăng dầu của Việt Nam không quá cao. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính lại cho biết, thuế là nguồn thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc kỹ.

Nhà nước phải giảm thuế để giữ giá xăng dầu

Lý giải việc giá xăng Việt Nam cao hơn Mỹ, Thứ trưởng Bộ Công thương từng cho biết, giá xăng của Việt Nam phải nhập khẩu và phải mất thời gian để có thể vận chuyển về Việt Nam cùng với nhiều chi phí khác đến bán hàng là cả quá trình.

Ông Nguyễn Minh Thụy, Viện kinh tế - Tài chính cho biết, việc tăng giá xăng dầu thời gian qua đều có căn cứ thực tiễn, giá cơ sở giá thế giới tăng thì giá xăng dầu của Việt Nam cũng tăng cao. Chi phí chở xăng từ nước ngoài về Việt Nam là chi phí cần thiết, người tiêu dùng buộc phải trả, việc tính giá do độ trễ, dân cũng phải chịu, khôn còn cách nào khác.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thụy, Việt Nam hiện đang nhập khoảng 60-70% xăng dầu, giá mua của các đầu mối nhập khẩu là theo giá thị trường thế giới, phần thuế, phí trong xăng dầu sau khi nhập như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, thuế bảo vệ môi trường... ở mức cao là nguyên nhân khiến giá xăng dầu Việt Nam cao hơn Mỹ.

“Việc áp dụng mức thuế bao nhiêu là do chính sách của nhà nước, vì áp dụng mức thuế như hiện hành nên giá vốn của xăng dầu cao hơn giá xăng nếu chỉ tính theo mức giá cuối cùng, giá bán lẻ của Mỹ vì Việt Nam có nhiều chi phí trong đó thuế là phần cấu thành lên giá xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam cao hơn Mỹ là tất nhiên”, ông Nguyễn Minh Thụy nói.

Xăng VN đắt hơn Mỹ: Vì phải cõng 8.244 đồng thuế phí/lít?

Giá xăng dầu đã liên tục tăng 5 lần trong năm nay với mức tăng cao nhất là 420 đồng/lít vào ngày 7/7

Theo đó, ông Nguyễn Minh Thụy cho rằng, việc giảm thuế xuống mức thấp hơn hoàn toàn có thể được thực hiện thay vì chỉ dùng biện pháp bình ổn thị trường, khi đó không đủ sức níu kéo giá xăng ổn định ở mức thấp, vì vậy giá xăng mới tăng nhanh.

“Nhà nước có thể thay đổi chính sách ở những thời điểm nhất định, khi nhà nước hạ mức thuế xuống giá xăng dầu sẽ giảm ví dụ năm 2009-2010 nhà nước có chính sách kiềm chế không cho tăng giá nên giá xăng dầu được kìm hãm ở mức giá rất thấp”, ông Nguyễn Minh Thụy đề xuất.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam khai thác khoảng 15 triệu tấn dầu thô, song chỉ chế biến khoảng 6 triệu tấn ở nhà máy lọc dầu Dung Quất còn lại là đi bán và nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài với giá cao, ông Nguyễn Minh Thụy lý giải, do công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ thực hiện ở mức này.

Ngoài ra, cũng theo ông Phạm Minh Thụy, chủng loại xăng dầu Việt Nam khai thác cũng không phù hợp với chủng loại sử dụng tại nhà máy lọc dầu Dung Quất. Vì công nghệ trong nhà máy cũng sử dụng công nghệ từ các đối tác, không sử dụng dầu cùng loại với dầu Việt Nam.

“Dù chất lượng dầu của Việt Nam tốt hơn dầu sử dụng trong nhà máy lọc dầu Dung Quất nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu dầu thô do Việt Nam khai thác đồng thời vẫn nhập khẩu dầu từ thị trường khác”, ông Nguyễn Minh Thụy thông tin thêm.

Một lít xăng "cõng" 8.244 đồng thuế phí

Cũng trong ngày 8/7, lần đầu tiên sau nhiều năm, khi quyết định điều chỉnh giá xăng dầu tối 7/7, Bộ Tài chính công khai cơ cấu tính giá. Theo phụ biểu này, một lít xăng RON 92 về Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu (18%), thuế tiêu thụ đặc biệt (10%), thuế bảo vệ môi trường (1.000 đồng), thuế giá trị gia tăng (10%), tương đương 8.244 đồng.

 

Xăng VN đắt hơn Mỹ: Vì phải cõng 8.244 đồng thuế phí/lít?

Giá xăng dầu cao do gánh nặng thuế phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng....

Lý giải câu hỏi vì sao Bộ Tài chính không giảm thuế để kìm giá xăng vì mặt hàng này đang phải gánh quá nhiều loại thuế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết cơ quan này đã cân nhắc mọi phương án điều hành giá xăng dầu. “Thuế là một khoản thu quan trọng của ngân sách nên phải cân nhắc rất kỹ nếu tăng hoặc giảm và cũng không thể thực hiện ngay lập tức”, ông Tuấn nói.

Kể tử đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng 5 lần liên tiếp với tổng mức tăng trong 5 lần tăng giá là 1.440 đồng/lít xăng, lần tăng giá gần nhất là vào ngày 7/7, tăng 410 đồng/lít, chỉ sao 2 tuần tăng với mức tăng 330 đồng/lít.

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu đã được tính toán rất kĩ với mức tăng rất kiềm chế, nếu không sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá giá xăng còn tăng cao hơn nữa”, ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định.

Ông Tuấn lấy ví dụ, ngày 7/7 giá xăng đáng lẽ ra phải tăng 918 đồng/lít nhưng do xả quỹ bình ổn gần 500 đồng/lít nên chỉ phải tăng 410 đồng/lít.

Cục quản lí giá cho biết, hiện tại giá xăng được điều hành theo hướng liên Bộ quyết định bao gồm Bộ Công thương và Bộ Tài chính áp giá trần. Các doanh nghiệp được tự quyết mức tăng cụ thể cho từng mặt hàng xăng dầu trong mức trần cho phép, tức là dưới 3%. Trong trường hợp tăng từ 3 đến 7% các đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối phải xin phép liên ngành Bộ Công thương và Bộ Tài Chính, trên 7% phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Bộ Công thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải từng cho biết, Bộ Công thương đề xuất doanh nghiệp được quyền tự quyết mức tăng trong mức trần cho phép là 2% nhưng đã không được Chính phủ tán thành.

Hiện, nhiều chuyên gia nhận định, việc cho phép các doanh nghiệp tự quyết trong phạm vi 3% sẽ khiến giá xăng dầu thời gian tới sẽ tăng nhanh và tăng nhiều lần.
 
Theo Nguyên Thảo
Đất Việt