1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TPHCM:

Xăng tăng liên tục, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

(Dân trí) - Theo Viện Nghiên cứu Phát TPHCM, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng nhẹ ở mức 0,3% so với tháng trước, với nhóm giao thông tăng cao nhất (1,05%), chủ yếu ảnh hưởng từ các đợt tăng giá xăng dầu vừa qua.

Xăng tăng liên tục, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Doanh thu vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tăng cao so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA
Tại cuộc họp báo cáo tình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm của UBND TPHCM, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 tăng nhẹ thể hiện xu hướng ổn định vững chắc, lạm phát được kiểm soát tốt.

Ông Thái Văn Rê - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP - cho biết, doanh thu vận tải tháng 5 ước đạt hơn 5.640 tỷ đồng. Ước tính 5 tháng đầu năm đạt 28.960 tỷ đồng, tăng 21,7% so với cùng kỳ năm 2014 (cùng kỳ tăng 15%). Đây cũng là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua.

Trong khi đó, chỉ số phát triển công nghiệp của thành phố 5 tháng đầu năm ước tăng 6% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 5,3%). Đây làm mức tăng cao nhất trong vòng 4 năm qua. Quy mô sản xuất công nghiệp của thành phố tiếp tục được mở rộng, cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của công nghiệp khai khoáng.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 5 ước đạt 2,57 tỷ USD, tăng 7,6% so với tháng trước và giảm 13,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 20,6%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,33 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Tính chung  5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11,76 tỷ USD, giảm 8,1% so với cùng kỳ. Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 10,2 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ.

Trong khi đó ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp thàng phố ước thực hiện tháng 5 đạt 2,67 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 13% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ, chủ yếu nhập các mặt hàng: nguyên phụ liệu dệt, may, da giày, vải các loại, chất dẻo, tân dược…

Tổng dư nợ tín dụng, đến cuối tháng 5 đạt 1.113.800 tỷ đồng, tăng 4,3% so với cuối năm 2014 và tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Dư nợ tín dụng bằng nội tệ đạt 944.800 tỷ đồng, chiếm gần 85% tổng dư nợ, tăng 4,6% so với cuối năm 2014. Dư nợ tín dụng trung và dài hạn chiếm 54% tổng dư nợ, tăng 9% so với cuối năm.

Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn thành phố năm tháng ước đạt 38.626 tỷ đồng, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 2,3%).

Về vốn ODA, thành phố quản lý 14 dự án đang triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư gần 110.000 tỷ đồng. Trong đó vốn ODA hơn 93.400 tỷ đồng, vốn đối ứng gần 16.410 tỷ đồng.

Xăng tăng liên tục, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát
Theo Sở Tài chính TP, nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập doanh nghiệp của một số doanh nghiệp lớn áp dụng thuế suất từ 25% xuống còn 22%

Theo Sở Tài chính TP, thu ngân sách trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm đạt 113.720 tỷ đồng, đạt 42,79% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Nguồn thu tăng là nhờ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, tổng thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10% so với cùng kỳ, và tiền thu nợ thuế của một số doanh nghiệp trong tháng 10 và 11 năm 2014. Tuy nhiên, nguồn thu cũng bị ảnh hưởng bởi thuế thu nhập doanh nghiệp của một số doanh nghiệp lớn áp dụng thuế suất từ 25% giảm xuống còn 22%.

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn – Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP – chỉ ra rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy nền kinh tế thành phố vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể như chỉ số chung về tăng trưởng (tổng mức bán lẻ, giá tiêu dùng, phát triển công nghiệp, tín dụng, đầu tư,…) tuy tích cực lạc quan nhưng chưa thể tăng trưởng mạnh mẽ như giai đoạn trước năm 2008. Tuy chỉ số phát triển công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng 6% so với cùng kỳ và tăng cao nhất trong vòng 3 năm trước đó nhưng kết quả sản xuất của 4 ngành công nghiệp trọng yếu lại thấp hơn mức tăng chung của toàn ngành.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu (không kể dầu thô) 5 tháng đầu năm tăng 5,5% cao hơn so với cùng kỳ năm 2014, nhưng kim ngạch nhập khẩu cũng tăng cao so với cùng kỳ.

Theo ông Tuấn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 6 tới là tăng cường kiểm tra, giám sát diễn biến thị trường hàng hóa để kịp thời ban hành cơ chế, chính sách nhằm hạn chế gia tăng giá cả các mặt hàng thiết yếu sau khi xăng tăng giá trong tháng 5/2015.

Quốc Anh
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”