Hà Nội:

Xăng tăng giá 2 ngày, thực phẩm đã nhích tăng theo

(Dân trí) - Mặc dù giá xăng mới chỉ tăng được 2 ngày (từ ngày 20/5), nhưng theo phản ánh của nhiều người dân, khảo sát PV Dân Trí giá thực phẩm, rau xanh tại nhiều chợ trên Hà Nội đã được tiểu thương “nhanh nhảu” tăng giá.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Bà Nguyễn Thị Then, người tiêu dùng tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm) cho biết: “giá tăng rồi, lần trước chưa tăng nhưng thấy bảo lần này giá xăng tăng nhiều nên họ tăng cả thể. Cầm 200 nghìn đi chợ, chỉ mua được vài lạng thịt, con tôm, ít rau và hoa quả, thấy như bị mất trộm”.

Khảo sát của PV Dân trí tại các chợ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các chợ cóc, chợ vỉa hè, tình trạng giá mỗi nơi một nẻo. Nhiều chợ trên địa bàn Hà Nội, quy định phải niêm yết giá công khai trước mỗi quầy để cơ quan chức năng tiện kiểm tra, người tiêu dùng giám sát. Tuy nhiên, chợ có niêm yết (Đồng Xuân) thì “giá là của ngày hôm qua”, một người bán cho biết “đây là giá hôm trước, chúng tôi chưa kịp ghi giá mới”, có chợ thì chẳng tiểu thương nào thực hiện.

Điệp khúc xăng tăng, giá tăng đã trở lại tại Hà Nội, (Ảnh tiểu thương chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội)
Điệp khúc xăng tăng, giá tăng đã trở lại tại Hà Nội, (Ảnh tiểu thương chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội)

Riêng mặt hàng rau xanh đã tăng giá từ từ 20% so với mấy ngày trước, rau.  Cụ thể, giá rau muống tại chợ Đồng Xuân có giá 4.500 đồng đến 6.000 đồng/mớ. Rau ngót có giá 6.000 đồng/mớ, rau mùng tơi, rau đay có giá 4000 đồng/mớ. Rau bắp cải, cải xanh, cải thảo từ 8.000 - 13.000 đồng/kg.

Tại chợ Thành Công, giá rau xanh cũng có từ 4.500 đến 8.000 đồng. Rau muống 5.000 đồng/mớ, rau đay, mùng tơi có giá từ 4.000 - 6.000 đồng/mớ. Mức giá rau xanh tại chợ Cổ Nhuế, một chợ loại 3 của Hà Nội cũng tương tự với chợ Thành Công.

Các loại thịt lợn tại các chợ trên địa bàn cũng có mức giá khác nhau. Chợ Cổ Nhuế, thịt lợn mông, vai 110.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 100.000 đồng/kg. Tại chợ Long Biên và chợ Thành Công, thực phẩm như thịt lợn, giá trước đây trung bình từ 90 – 95.000/kg nhưng hiện nay đã tăng lên 120.000 kg. Giá thịt lợn mông và ba chỉ đều có giá là 120.000 đồng/kg giò chả các loại cũng nhích tăng từ 700 đồng đến 1.400 đồng/kg.

Các loại rau trái vụ như bắp cải, cải thảo, cải xanh cũng tăng giá từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Cải bắp, giá tại chợ Long Biên sáng nay ở mức 8.000 đồng/kg, cải xanh 10.000 đồng/kg, cải thảo 12.000 đồng/kg. Theo tìm hiểu, các chợ trên địa bàn có mức giá đắt rẻ khác nhau, chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) chỉ bán buổi sáng sớm, giá rau xanh, thực phẩm rẻ hơn so với nhiều chợ ở Hà Nội. Rau muống tại đây chỉ từ 3.500 -  4.000 đồng/mớ, tăng 500 đồng so với trước.

Theo bà Ngát tiểu thương bán thực phẩm và rau xanh tại chợ Long Biên, giá nhập rau theo kg đã tăng so với trước nên chúng tôi phải bán chênh giá. Bà Ngát lấy ví dụ: giá thịt lợn ba chỉ đã chênh 20% giá, trước bán 90.000 đồng/kg, khiến giá tăng lên gần 110.000 đồng/kg, tiểu thương phải bán chênh lên 120.000 mới có lãi và đủ chi phí vào chợ.

Tại các chợ vỉa hè, chợ “bóp” dành cho chợ cho sinh viên, người lao động nghèo trên các đường phố như Láng (Đống Đa) Trung Kính (Cầu Giấy), Trần Cung (Cầu Giấy), chợ gầm cầu Thăng Long (Từ Liêm) cũng có mức giá khác nhau. Mặc dù đây là thời chính vụ nên nguồn hàng các loại rau như muống, mùng tơi, rau đay, đậu đỗ, su su hay dưa chuột… dồi dào, nhưng giá các loại rau trên vẫn tăng so với trước kia. Các loại rau trái vụ khác như bắp cải, su hào đều là hàng Đà Lạt hoặc Sapa nên đắt hơn so với các loại rau thông thường.

Tìm hiểu về giá cả bán tại các chợ, chúng tôi được biết, giá thực phẩm từ người sản xuất đến tay người tiêu dùng đã qua 3 chủ thương: Chủ buôn nhập toàn bộ hàng, xé lẻ cho các thương lái giao cho các chợ, tiểu thương các chợ xé lẻ bán tại quầy. Từ người trồng rau, chăn nuôi đến tay người tiêu dùng đã qua chủ thương. Đây được cho là nguyên nhân tăng giá bởi mỗi chủ thương ăn thêm 1 - 2 giá đã khiến giá thực phẩm, rau xanh bị đẩy cao chót vót.

Mặc dù chưa có thống kê về cước phí ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nhưng việc tăng giá kiểu “té nước theo mưa” như hiện nay đã khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Theo Cục Thống kê Hà Nội ngày 21/5 do giá xăng dầu tăng 2 lần trong tháng nên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2015 của Hà Nội đã tăng 0,12% so với tháng 4/2015 và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm 2014. Đây là chỉ số cho thấy, giá các mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng sắp tới sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn từ tăng giá cộng hưởng trên.

Hiện tiêu dùng tại các chợ lớn được cấp phép, chợ cóc, chợ tự phát ven đường vẫn là kênh mua bán chiếm từ 60 – 80% các loại thực phẩm của người dân Hà Nội. Đặc biệt, ở các khu gần trường Đại học, Cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay các khu công nghiệp của Hà Nội như Bắc Thăng Long - Nội Bài, gần như 100% người lao động mua sắm tại các chợ ven đường, chợ tự phát, chợ được quy hoạch trong khu công nghiệp.

Những chợ này không niêm yết giá bán đã đành, lại bán giá cao hơn so với giá một số chợ chính khiến việc tăng giá như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bộ phận người lao động, dân nghèo thị thành và học sinh, sinh viên…

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”