Xăng dầu "tăng nhanh - giảm chậm" do độ trễ giá!

(Dân trí) - Thừa nhận khi giá xăng thế giới giảm tương đối mạnh nhưng giá trong nước giảm có mức độ, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, liên Bộ Công thương - Tài chính đang xem lại cơ chế vận hành Nghị định 84 để kịp thời sửa đổi, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.

Cũng giống như những lần đăng đàn trước đây của Bộ trưởng Bộ Công thương, những câu chất vấn liên quan đến lĩnh vực xăng dầu liên tiếp được đưa ra, mặc dù, việc điều hành giá ở mặt hàng này được giao cho cả Bộ Tài chính cùng quyết định. 

Đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết, cử tri rất bức xúc trong việc điều hành giá xăng dầu của Bộ công thương trong thời gian vừa qua. Theo đó, "việc này có kiến nghị của cử tri nhưng chưa được trả lời". 

Đại biểu Lâm đề nghị Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cần phải giải thích được nguyên nhân khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá xăng dầu trong nước tăng ngay với mức tăng cao, nhưng khi giá xăng dầu thế giới hạ thì trái lại giá xăng dầu trong nước hạ không kịp thời rất chậm, mức hạ không đáng kể. 

Ý kiến này được sự ủng hộ của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). Dẫn phân tích của báo chí và các nhà kinh tế, đại biểu Phương đặt "dấu hỏi", rằng việc điều hành giá hiện này thường có lợi cho các doanh nghiệp hơn là có lợi cho người tiêu dùng.

Biến động giá xăng dầu của thị trường bên ngoài có độ trễ.

Biến động giá xăng dầu của thị trường bên ngoài có độ trễ.

Đáp lại, Bộ trưởng Hoàng tiếp tục tái khẳng định, hiện nay, việc đều hành xăng dầu vẫn đang thực hiện theo Nghị định 84: Giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước và một trong những quy định là yêu cầu các thương nhân đầu mối về nhập khẩu xăng dầu khi có biến động giá trên thị trường thế giới, trên cơ sở mức giá của 30 ngày trước đó phải quyết định việc tăng giá hay giảm giá. Tần suất tăng giá tối thiểu  10 ngày, còn nếu giảm giá thì đối đa là 10 ngày so với lần điều chỉnh gần nhất.

Lý giải vì sao nhất thiết phải lấy giá cơ sở của 30 ngày trước đó, Bộ trưởng cho hay, theo quy định của Chính phủ, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phải có dự trữ trong lưu thông là 30 ngày cho sản phẩm xăng dầu. 

Ông cũng trần tình, biến động giá của thị trường bên ngoài có độ trễ. Phần lớn xăng dầu Việt Nam cho đến nay vẫn dựa vào nhập khẩu trong bối cảnh công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ đáp ứng được hơn 5 triệu tấn trên 16 triệu tấn nhu cầu hàng năm. Như vậy, 10 triệu tấn nhập khẩu còn lại sẽ có độ trễ của giá. Cụ thể, có thể lô hàng đến Việt Nam ngày hôm nay phải được nhập khẩu từ cách đó hàng tháng và giá lúc đó khác. 

Tuy nhiên, "tư lệnh" ngành công thương vẫn phải thừa nhận một thực tế rằng, hoạt động điều hành giá chưa kịp thời đồng thời có hiện tượng giá thế giới giảm tương đối mạnh mà giá trong nước giảm có mức độ.

Theo cơ chế vận hành của Nghị định 84, trước hết, sử dụng quỹ bình ổn giá và công cụ thuế để đảm bảo khi giá xăng dầu tăng quá cao cũng không ảnh hưởng nhiều đến người tiêu dùng trong nước. Khi giá thế giới hạ thì trước hết các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm hạ giá để đảm bảo nhu cầu của người dân. 

Sau 2 năm vận hành Nghị định 84 ban hành vào tháng 9/2010 vừa làm vừa rút kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ tài chính và Bộ công thương nghiêm túc xem xét quá trình vận hành này, nếu thấy có gì bất hợp lý thì phải báo cáo Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi theo tinh thần giá xăng dầu là thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. 

Hiện nay Liên bộ Tài chính - Công thương đang phối hợp và nghiên cứu về quỹ bình ổn giá xăng dầu,về tần suất điều chỉnh giá và về trách nhiệm của các thương nhân đầu mối đối với vấn đề biến động giá, trách nhiệm như thế nào 2 Bộ đang phối hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay.

Không có cơ sở về lợi ích nhóm trong điều hành xăng dầu

Ngoài ra, đáp lại băn khoăn của đại biểu Lâm, liệu rằng ở đây có sự tác động của lợi ích nhóm và liên quan đến độc quyền doanh nghiệp xăng dầu hay không, Bộ trưởng Hoàng nhắc lại nguyên tắc, việc điều hành xăng, dầu là trách nhiệm chung của Chính phủ, đầu mối giao cho liên Bộ công thương và Tài chính, và "khi tham mưu cho Chính phủ chắc chắn là các bộ chúng tôi sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm và có sự phối hợp chặt chẽ", ông nhấn mạnh. 

Ông đồng thời cũng bác bỏ ý kiến cho rằng vừa qua có sự khác nhau giữa 2 Bộ, "tôi xin được khẳng định lại là không có sự khác nhau giữa 2 Bộ. Còn ý kiến chỗ này, chỗ kia là ý kiến ở các cuộc hội thảo mang tính khoa học. Ở hội thảo thì có quyền phát biểu ý kiến của mình, còn về chính thống mà nói thì không có sự khác biệt này" - trích lời Bộ trưởng.
 
Ông nhấn mạnh, với tinh thần Nghị định 84 và tinh thần động viên, khuyến khích các doanh nghiệp, hiện nay thị trường có 12 doanh nghiệp đầu mối về xăng, dầu và đều không thuộc một bộ nào: có doanh nghiệp ngoài quốc doanh, có doanh nghiệp quân đội, có doanh nghiệp ở địa phương, có doanh nghiệp là tập đoàn Petrolimex Nhà nước quản lý. 

"Cho nên cũng không có cơ sở để nói lợi ích của nhóm" - Bộ trưởng Hoàng đinh ninh. Ông nói thêm, sắp tới, theo Quyết định của Chính phủ sẽ triển khai dự án lọc dầu ở Nghi Sơn có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và kể cả việc phân phối trong phạm vi sản phẩm của họ. "Tôi nghĩ nếu nói vì lợi ích nhóm thì chắc chưa có đủ cơ sở khẳng định như vậy". 

Khép lại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra kết luận, "Nếu không làm rõ được về kinh tế thị trường thì không thể bàn tới cơ cấu và tái cơ cấu được, nhất là vấn đề giá cả xăng dầu, điện, than, giá vật tư, phân bón, v.v... chúng ta phải tiến hành việc đó." 

Bích Diệp