1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xăng dầu lên giá mạnh gây áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng sẽ tăng?

Mai Chi

(Dân trí) - Áp lực lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh vào quý 2, quý 3 năm nay, do ảnh hưởng giá xăng dầu và với kịch bản CPI bình quân vượt mức 4% thì có thể lãi suất sẽ tăng.

Xăng dầu lên giá mạnh gây áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng sẽ tăng? - 1

Giá xăng dầu thường có ảnh hưởng đáng kể đến chỉ số CPI vì có tác động hai vòng (trực tiếp và gián tiếp)

Như tin đã đưa, trong kỳ điều hành từ ngày 10/2 - 24/2, giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore tiếp tục xu hướng tăng mạnh.

Cụ thể, dữ liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến ngày 23/2, giá xăng RON 92 và RON 95 bình quân trên thị trường Singapore lần lượt là 67,4 USD/thùng và 69 USD/thùng, tăng xấp xỉ 9% so với kỳ điều hành trước (26/1 - 9/2).

Với diễn biến như trên và việc cơ quan điều hành tiếp tục tăng mức chi Quỹ Bình ổn (tăng khoảng 300 đồng/lít so với kỳ trước), giá xăng bán lẻ E5RON92 và RON95 lần lượt tăng lên 17,031 và 18,084 đồng/lít (tăng 722 và 814 đồng).

Trong báo cáo chuyên đề vừa công bố, các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) đưa ra nhận xét, dù giá xăng bán lẻ bình quân trong tháng 2 đã tăng hơn 4% so với tháng 1, tuy nhiên vẫn giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy áp lực từ nhóm hàng này lên chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tháng 2 là không nhiều.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 bùng phát ngay trước dịp Tết Nguyên đán đã làm "hạ nhiệt" nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ của người dân vào Tết Nguyên đán và giúp mặt bằng giá không tăng mạnh như các năm trước đó.

Trên cơ sở đó, phía KBSV dự báo chỉ số CPI trong tháng 2 chỉ tăng khoảng 0,2% so với tháng trước và giảm 0,6% so với cùng kỳ.

Nói cách khác, theo nhóm phân tích này thì lạm phát trong tháng 2 chưa đáng lo ngại do ảnh hưởng của dịch Covid bùng phát ngay trước Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, áp lực lạm phát được cho là sẽ tăng mạnh vào quý 2, quý 3 năm nay với mức nền thấp trong năm 2020 do mặt bằng giá xăng bán lẻ đã tạo đáy vào cùng kỳ năm ngoái dưới tác động của Covid-19.

Xăng dầu lên giá mạnh gây áp lực lạm phát, lãi suất ngân hàng sẽ tăng? - 2

Giả định giá các loại hàng hóa khác không có biến động bất thường, với việc giá xăng dầu chiếm tỷ trọng khoảng 4% trong rổ CPI, chuyên gia phân tích KBSV ước tính CPI bình quân 2021 có thể tăng vượt mốc 4% nếu giá xăng RON95 bình quân 2021 tăng 30% so với cùng kỳ (tương đương mức 20.500 đồng/lít, cao hơn 13,4% so với mức hiện tại).

Nếu rủi ro này xuất hiện, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể phải áp dụng các chính sách tiền tệ thận trọng hơn để kiềm chế lạm phát (tăng lãi suất, giảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng), qua đó sẽ gây ra các tác động tiêu cực đến dòng tiền trên thị trường cổ phiếu.

Tuy nhiên, KBSV không đánh giá cao kịch bản giá dầu sẽ tăng mạnh từ mức giá hiện tại do nguồn cung dự báo được cải thiện về cuối năm.

Tổng hợp dự báo của các tổ chức lớn trên thế giới cho thấy thị trường kỳ vọng giá dầu WTI biến động xung quanh mức USD 58/thùng cho năm 2021 (thấp hơn 8% so với mức giá hiện tại).

Ngoài ra, quỹ bình ổn xăng dầu hiện ước tính còn 3.500 tỷ đồng được đánh giá là có thể tiếp tục được sử dụng trong trường hợp cần thiết để kiềm chế đà tăng của giá xăng dầu.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm