Xa rời đường đua dẫn đầu, BIDV đang ở đâu?

Vân Khánh

(Dân trí) - BIDV không còn nằm trong top 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất dù đứng đầu về vốn điều lệ.

Xa rời đường đua dẫn đầu

Hiện tại, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam. Tại thời điểm cuối quý I/2021, vốn điều lệ của BIDV là 40.220 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm Big 4 (4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước - PV).

3 đơn vị còn lại trong nhóm "tứ đại gia ngân hàng" bao gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) lần lượt đạt vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng, 37.089 tỷ đồng và 30.615 tỷ đồng.

Xa rời đường đua dẫn đầu, BIDV đang ở đâu? - 1

Lợi nhuận của BIDV đang có độ chênh lệch đáng kể so với một số ngân hàng thương mại cổ phần (Ảnh: IT).

Thế nhưng, xét về lợi nhuận, BIDV đang đuối dần so với các ngân hàng trên (ngoại trừ Agribank. Agribank chưa công bố báo cáo tài chính quý I/2021).

Trong quý I/2021, dù tăng mạnh, lợi nhuận sau thuế của BIDV chỉ đạt 2.722 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi ròng của Vietcombank và VietinBank lên đến 6.908 tỷ đồng và 6.471 tỷ đồng, tăng mạnh so với quý I/2020.

So với một số ngân hàng thương mại cổ phần, lợi nhuận của BIDV cũng đang kém hơn. 

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) sau nhiều lần tăng vốn đã trở thành ngân hàng tư nhân có vốn điều lệ cao nhất, lên đến 35.049 tỷ đồng. Dù vậy, Techcombank vẫn đứng sau Vietcombank, VietinBank và cả BIDV. Tuy nhiên, trong quý I/2021, Techcombank đạt lợi nhuận 4.476 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần BIDV.

Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) có vốn điều lệ 27.988 tỷ đồng và 25.300 đồng, thấp hơn nhiều so với BIDV nhưng lợi nhuận sau thuế quý I/2021 của MB và VPBank lại cao vượt trội, đạt 3.666 tỷ đồng và 3.202 tỷ đồng.

Xét về thu nhập của người lao động, BIDV cũng đứng sau đa số các đơn vị kể trên. Trung bình, mỗi nhân sự BIDV được trả 24,8 triệu đồng/người/tháng.

Trong khi đó, thu nhập bình quân tại Vietcombank, VietinBank và MB lần lượt đạt 32 triệu đồng/người/tháng, 25,8 triệu đồng/người/tháng và 37,2 triệu đồng/người/tháng. Còn Techcombank đã trở thành ngân hàng nội trả lương cao nhất Việt Nam với thù lao bình quân lên đến 42,3 triệu đồng/người/tháng.

Nỗ lực xử lý nợ xấu chưa thành

Tại thời điểm cuối quý I/2021, tổng nợ xấu tại BIDV lên đến 21.765 tỷ đồng, chiếm 1,76% tổng dư nợ tín dụng. Các con số này hồi cuối năm 2020 là 21.369 tỷ đồng và 1,76%.

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên đến 16.573 tỷ đồng, còn cao hơn vốn điều lệ một số ngân hàng cổ phần, chẳng hạn Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) một chút. Nợ xấu quá cao khiến BIDV phải mạnh tay trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý I năm nay, chỉ tiêu này tăng đáng kể từ 6.041 tỷ đồng lên 7.173 tỷ đồng. Dự phòng cao gấp 2,6 lần lợi nhuận sau thuế.

Trong những tháng đầu năm nay, BIDV liên tục rao bán nhiều khoản nợ xấu.

Hồi đầu tháng I/2021, BIDV chi nhánh Nam Hà Nội có thông báo đấu giá lần thứ 2 khoản nợ của Công ty TNHH Ngọc Linh với giá khởi điểm là 2.164 tỷ đồng.

BIDV Chi nhánh Long Biên Hà Nội rao bán tàu vận tải biển Ocean Queen đăng ký quyền sở hữu tàu biển thuộc Công ty TNHH Vận tải biển Hoa Ngọc Lan Thái Bình với giá khởi điểm 151,2 tỷ đồng.

BIDV cũng đang lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên tại BIDV. Trong đó, tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 31/10/2020 là 461,9 tỷ đồng.

BIDV lên kế hoạch đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng và kinh doanh nhà Bách Giang và Công ty TNHH XD TM Cao Nguyên với tổng dư nợ gốc và lãi tính đến hết ngày 31/10/2020 là 461,9 tỷ đồng.

Đến tháng 3, BIDV thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của CTCP Kiến Trúc và Xây dựng Archplus với tổng dư nợ gốc, lãi vay và lãi phạt là 473,4 tỷ đồng. BIDV cũng đấu giá khoản nợ của CTCP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với giá khởi điểm gần 134,5 tỷ đồng.

Có thể thấy, trong năm nay, BIDV nỗ lực bán tài sản thế chấp để giải quyết nợ xấu.

Những "con nợ" nổi tiếng

Trong nhiều năm trở lại đây, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) được nhắc nhiều với tư cách… "con nợ" của BIDV. 

Trong quý I/2021, dư nợ dài hạn trị giá 1.232 tỷ đồng của Hoàng Anh Gia Lại tại BIDV đã giảm xuống 0 đồng. Có vẻ nợ xấu của BIDV không có "lỗi" của Hoàng Anh Gia Lai nữa. Tuy nhiên, không hẳn hai bên đã hết quan hệ tín dụng.

Tại thời điểm cuối quý I/2021, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận 5.876 tỷ đồng trái phiếu do BIDV và Công ty cổ phần chứng khoán ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam nắm giữ.

BIDV cũng đã mất rất nhiều năm để xử lý nợ xấu tại Công ty cổ phần Thuận Thảo của "bông hồng vàng Phú Yên" Võ Thị Thanh. Tài sản thế chấp của nhóm công ty này được rao bán giảm gần… 20 lần, từ 2.000 tỷ đồng xuống 800 tỷ đồng.

Ngoài ra, Vinachem và hệ thống công ty con của Vinachem cũng là "con nợ" của BIDV. Tại thời điểm cuối năm 2020, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình nợ BIDV 708 tỷ đồng. Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem nợ 103 tỷ đồng. Công ty cổ phần Phân bón Miền Nam có khoản vay 97 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo. Một số khoản vay khác cũng không có tài sản đảm bảo.