1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

WTO tác động tích cực vào kinh tế Việt Nam

(Dân trí) - Sau 2 năm gia nhập WTO, hàng hóa của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước thành viên gặp nhiều thuận lợi hơn. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài

WTO tác động tích cực vào kinh tế Việt Nam - 1
Gia nhập WTO tạo ra nhiều cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam.
 
Sáng nay 11/6, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế Quốc tế (NCIEC) đã tổ chức hội thảo “Đánh giá tác động hội nhập đối với nền kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Danh Vĩnh, từ khi gia nhập WTO các mặt hàng xuất khẩu như dệt may, cà phê, cao su, thủy sản... đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây Việt Nam đã trở thành thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài ở nhiều lĩnh vực như: điện tử, tin học, luyện cán thép, dệt may, cơ khí, đóng tàu, ngân hàng, tài chính… Hiện nhiều tập đoàn và công ty đa quốc gia đã có mặt đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc mở cửa thị trường nội địa và cắt giảm thuế và rào cản phi thuế đối với các sản phẩm đã tạo điều kiện cho nhiều hàng hóa đến tay người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước với mức giá hợp lý.

Còn PGS - TS. Trần Đình Thiêm, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, qua 2 năm đã có thể thấy rõ những tác động tích cực như đầu tư nước ngoài tăng mạnh, thị trường xuất khẩu được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu tăng cao, nhưng quan trọng nhất là đã hình thành được tư duy mới, chuẩn mực kinh doanh mới…

Thống kê của Bộ Công Thương, năm 2007 tổng thu nhập quốc nội GDP đạt 8,48% mức cao nhất trong 10 năm qua, thu hút đầu tư nước ngoài năm 2008 đạt trên 64 tỷ USD (tăng 42 tỷ USD so với năm 2007), kim ngạch xuất khẩu đạt 63 tỷ USD trong năm 2008 (tăng 29,5% so với năm 2007)...

Ông Thiêm nhận định, để thành công hơn nữa thì cần tập trung mở rộng thị trường mới cả trong nước và quốc tế; nắm bắt nhanh các hình thức thương mại hiện đại, các phương thức phân phối mới; đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh; xây dựng bảo vệ thương hiệu của sản phẩm dịch vụ...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh, chúng ra vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định. Trong đó, đáng quan tâm là một số ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Huỳnh Hải