1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

World Bank muốn thay đổi phương thức giải ngân ODA

(Dân trí) - World Bank vừa đề xuất thực hiện phương thức cho vay mới được gọi là P4R, lấy kết quả thực hiện làm cơ sở cho hoạt động giải ngân, chứ không còn chỉ dựa trên tính toán chi phí đầu vào. Phương thức này cũng được đề xuất áp dụng với Việt Nam.

Tại buổi thảo bàn về phương thức cho vay mới dựa trên kết quả (P4R) diễn ra sáng nay (13/9), Ngân hàng Thế giới (WB) đã giới thiệu về phương thức cho vay mới, còn gọi là P4R, hướng trọng tâm trực tiếp vào hiệu quả thông qua việc lấy kết quả thực hiện làm cơ sở để giải ngân.
 
World Bank muốn thay đổi phương thức giải ngân ODA - 1
Giám đốc WB tại Việt Nam - bà Victoria Kwa Kwa tại buổi hội thảo (Ảnh: H.B)

 

Phương pháp mới này sẽ hướng sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của nhà cho vay vào phát triển thể chế của quốc gia nhận vay một cách mạnh mẽ hơn. Đặc biệt là tập trung vào năng lực giám sát kết quả và tăng cường hệ thống chi tiêu quốc gia.

 

Phương pháp P4R có đặc điểm khác biệt lớn nhất là chỉ giải ngân sau khi đã đạt được kết quả và dựa vào các chỉ số thực hiện, không phải chi phí phát sinh đầu vào.

 

Theo WB, P4R chú trọng vào việc tăng cường năng lực thể chế cần thiết để đảm bảo các chương trình đạt được kết quả như dự kiến và có tính bền vững; đảm bảo nguồn vốn của World Bank sẽ được sử dụng phù hợp và các tác động, rủi ro về môi trường - xã hội được xác định hợp lý.

 

P4R sẽ chuyển giao dần quyền chủ động thực hiện và quản lý, giám sát từ phía nhà cho vay sang chính phủ và chính quyền địa phương. Từ đó, World Bank cho rằng sẽ có thể nâng cao được năng lực cho hệ thống thể chế cũng như tăng cường được trách nhiệm giải trình, tính minh bạch cũng như hiệu quả dự án thực hiện.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Cao Viết Sinh, với việc áp dụng phương thức mới, chi phí xây dựng và giám sát dự án chắc chắn sẽ tăng lên chứ không giảm như đề xuất từ phía World Bank.

 

Thừa nhận, năng lực hiện nay ở các địa phương là rất yếu từ khâu thực hiện cho đến báo cáo cho đến kiểm tra, giám sát, tham vấn, Thứ trưởng Cao Viết Sinh thể hiện mối quan ngại, những vướng mắc này không thể một sớm một chiều giải quyết được. Theo ông Sinh, để tăng cường năng lực cho chính quyền địa phương đòi hỏi phải có một chi phí lớn từ trước khi bàn giao dự án cho địa phương.

 

Ông Sinh đề nghị WB nên nêu rõ hoạt động thí điểm phương pháp này nên bắt đầu từ những lĩnh vực, bộ ngành, địa phương nào.

 

Đáp lại những băn khoăn này, Giám đốc WB tại Việt Nam - bà Victoria Kwa Kwa khẳng định, kể cả trong trường hợp chuyển giao quyền chủ động cho địa phương thực hiện thì WB cũng không hề giảm bớt trách nhiệm của mình. Việc thực hiện này dựa trên cơ sở phối hợp từ hai phía để thu được hiệu quả tốt nhất trong khi giảm thiểu được chi phí và rút ngắn thủ tục.

Dự kiến, phương pháp cho vay mới sẽ được trình lên Ban giám đốc World Bank để thảo luận và thông qua vào cuối năm tài chính năm 2011.

 

Tại Việt Nam, có hai dự án đang được đề nghị áp dụng P4R là dự án Chuẩn bị sẵn sàng cho học sinh mầm non và Cấp nước và vệ sinh nông thôn.

 

Hồng Bích

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm