Walmart, Central Group, Aeon... đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm Việt

(Dân trí) - Hầu hết các “ông lớn” như Walmart, Central Group, Aeon đều theo đuổi tiêu chí lấy khách hàng làm trọng tâm. Cho nên, dựa vào phản ứng của người tiêu dùng mà họ sẽ đặt ra những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khá khắt khe.

Trong khuôn khổ Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp hệ thống phân phối nước ngoài, hôm qua (29/8), Bộ Công Thương đã phối hợp với tỉnh Bến Tre và nhiều đơn vị tổ chức Hội thảo – Tập huấn kết nối mua hàng nông sản, thực phẩm.

Walmart, Central Group, Aeon... đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm Việt - 1
Tổng Quản lý cấp cao của Aeon Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần phải coi trọng nhà sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ để họ “sản sinh” ra những sản phẩm chất lượng.

Tại hội thảo, đại diện các tập đoàn phân phối lớn trên thế giới như Walmart, Central Group, Aeon cho biết, họ sẵn sàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam tìm kiếm cơ hội xuất khẩu các sản phẩm gốc Việt. Không chỉ vậy, họ còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu cũng như hỗ trợ trong vấn đề cung ứng và sản xuất nội địa.

Tuy nhiên, hầu hết các “ông lớn” nói trên đều theo đuổi tiêu chí lấy khách hàng làm trọng tâm. Cho nên, dựa vào phản ứng của người tiêu dùng mà họ sẽ đặt ra những tiêu chuẩn tuyển chọn hàng hóa khá khắt khe.

Đại diện Central Group thẳng thừng đưa ra những yêu cầu của họ trong việc chọn mua nông sản, thực phẩm Việt. Theo đại diện Central Group, yêu cầu của tập đoàn này là sản phẩm phải sạch, truy xuất được nguồn gốc, phải được đăng kiểm tại các cơ quan chức năng. Không chỉ vậy, sản phẩm còn phải phù hợp kích cỡ, nhất là khi các sản phẩm mùa vụ được ưa chuộng.

Tổng Quản lý cấp cao của Aeon Việt Nam (Tập đoàn Aeon) thì cho rằng giá cả của sản phẩm cần phải tương ứng với chất lượng sản phẩm. Bởi lẽ, nếu sản phẩm có giá thành cao nhưng chất lượng kém thì sẽ vấp phải những phản ứng không tốt của người tiêu dùng. Cho nên, các doanh nghiệp Việt cần phải coi trọng nhà sản xuất, tạo điều kiện hỗ trợ để họ “sản sinh” ra những sản phẩm chất lượng.

Về phía đại diện Bộ Công thương, ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ cho biết, vừa qua, Bộ Công thương tổ chức tuần hàng tại Nhật Bản. Theo đó, kết quả phản hồi người tiêu dùng rất tốt thể hiện qua việc họ quan tâm và tỏ ra rất thích các sản phẩm của Việt Nam. Có được điều đó là nhờ sản phẩm của chúng ta có nhiều điểm mới, sáng tạo.

Walmart, Central Group, Aeon... đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm Việt - 2
Walmart, Central Group, Aeon... đòi hỏi khắt khe đối với sản phẩm Việt

Qua đó, ông Linh cho rằng, những doanh nghiệp nào chưa xuất khẩu được sản phẩm thì cần phải tự mình thay đổi cho phù hợp để có thể “xuất ngoại”. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được sản phẩm vào hệ thống của Aeon rồi thì trong thời gian tới sẽ phải tiếp tục giữ được chất lượng, giữ được cam kết.

“Nhà phân phối có tầm nhìn dài hạn nên họ muốn thu mua sản phẩm của Việt Nam trong dài hạn. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam phải cùng với họ đầu tư cho quá trình đó. Chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu thông tin, nghiên cứu thị trường, cũng như xúc tiến thương mại và theo đuổi các cam kết dài hạn với những tập đoàn kinh tế nước ngoài”, ông Linh nói.

Quế Sơn