Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Khai thác tiềm năng du lịch dựa vào nông thôn

(Dân trí) - “Liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nôn thôn mới tại Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung”, đây là chủ đề tại buổi hội thảo về liên kết du lịch Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra tại Quảng Nam ngày 15/11.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là khu vực có nhiều Di sản văn hóa thế giới với các thành phố đã nổi tiếng như TP Huế, Đà Nẵng, Hội An… mỗi năm thu hút hàng chục triệu lượt khách trong và ngoài nước.

Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Hội thảo liên kết khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng trong xây dựng nôn thôn mới tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung diễn ra tại Quảng Nam ngày 15/11

Tuy tiềm năng về du lịch nông nghiệp, văn hóa, sinh thái dựa vào cộng đồng tại khu vực này vẫn còn nhiều nhưng chưa được phát huy; đặc biệt là phát triển du lịch dựa vào nông thôn mới ở khu vực này.

Theo Ban điều phối Trung ương về chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, sau 9 năm thực hiện chương trình, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh sạch đẹp, hạ tầng được đầu tư… Đây chính là những yếu tố để nông thôn là dư địa cho ngành du lịch khu vực phát triển.

Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Làng “trái cây Nam Bộ” Đại Bình (huyện Nông Sơn) là địa chỉ khám phá của du khách thích làng quê

PGS.TS Trần Đình Thiên – Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, việc Đảng và Nhà nước khẳng định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn với tư cách là một định hướng chiến lược quốc gia có phần đóng góp to lớn của thực tế phát triển miền Trung. Đòi hỏi phát triển kinh tế phải được thực thi trong thế liên kết vùng, với nhiều giải pháp liên kết như là một xu thế tất yếu, một phần quan trọng bắt nguồn từ kinh nghiệm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

“Sự phát triển du lịch của các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung giai đoạn vừa qua đạt được nhiều kết quả có ý nghĩa. Nó mang lại cho du lịch của Vùng thương hiệu quốc tế và mức độ hấp dẫn điểm đến ngày càng tăng. Hơn bất cứ Vùng nào trong cả nước, miền Trung trỗi dậy mạnh mẽ bằng du lịch biển, bằng các đô thị du lịch biển với đẳng cấp ngày càng cao”, PGS.TS Trần Đình Thiên phát biểu.

Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Bờ rào, con đường bằng đá xếp chồng ở làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước) là nơi du khách ghé thăm và tìm hiểu đặc trưng làng quê xứ Quảng

Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, ngoài lăng tẩm, đền đài là những nơi du khách không thể bỏ qua thì việc khai thác du lịch homestay nhà vườn truyền thống ở khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều thuận lợi.

Theo đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội thảo, cho hay xu hướng du lịch homestay ngày một phát triển, du khách muốn tìm hiểu nhiều hơn về cuộc sống của người dân bản địa, nhất là khu vực nông thôn của tình còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, làng nghề, văn hóa…

Tại Thừa Thiên Huế, khu vực tập trung phát triển nhà vườn nhiều nhất ở vùng Thủy Biều, Kim Long, Vỹ Dạ, Phước Tích…Đến đây du khách có thể cảm nhận một cách thú vị đời sống thường nhật của người dân, đó là nơi chứa đựng trong mình nhiều thứ đặc sắc, khác biệt ít nơi nào có.

Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Làng rau 500 năm tuổi là địa chỉ du khách không thể bỏ qua khi đến Hội An

Đối với Quảng Nam, ngoài thuận lợi là 2 Di sản văn hóa thế giới, vùng nông thôn của địa phương cũng chứa đựng nhiều bản sắc mà du khách không thể không ghé qua, đó là vùng rau 500 tuổi Trà Quế (TP Hội An), làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), làng sinh thái Đại Bình (huyện Nông Sơn)… Những nơi này phù hợp với mô hình phát triển du lịch homestay để du khách khám phá vùng nông thôn mang bản sắc đặc trưng của địa phương.

Bên cạnh đó, các vùng núi của Quảng Nam cũng chứa đựng nhiều trầm tích văn hóa của đồng bào các dân tộc như múa Tung tung za zá của đồng bào Cơtu, lễ hội mừng lúa mới, tạ ơn rừng (huyện Đông Giang, Tây Giang); tục cưới của đồng bào Bhnong (huyện Phước Sơn); lễ hội cầu mưa đồng bào Cadong (huyện Nam Trà My, Bắc Trà My)…

Liên kết phát triển du lịch nông thôn ở Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Điệu múa Tung tung za zá của đồng bảo Cơtu huyện Tây Giang. Đây là bản sắc văn hóa của đồng bào Cơtu còn bảo tồn nguyên vẹn

Tuy Vùng có nhiều thuận lợi trong phát triển du lịch nông thôn nhưng PGS.TS Trần Đình Thiên cũng cho rằng, từ một góc độ khác, không khó để nhận ra Vùng này trong thời gian qua còn những điểm “khuyết”. Đó là Vùng nông thôn rộng lớn, với tiềm năng phát triển to lớn, đặc biệt rất dồi dào nguồn tài nguyên và lợi thế phát triển du lịch, có thể giúp tạo và nâng cấp hơn nữa “sự khác biệt và tính đẳng cấp” của ngành du lịch vốn rất nhiều bản sắc của Vùng.

Miền Trung có nền nông nghiệp đặc sắc, có vùng nông thôn đậm đà bản sắc văn hóa – lịch sử - môi trường – sinh thái nhưng chưa được thúc đẩy phát triển và khai thác, phát huy có hiệu quả từ góc độ “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, trọng điểm của Vùng”.

Thêm vào đó, mức độ liên kết phát triển giữa các địa phương trong Vùng, giữa các Vùng (ví dụ Tây Nguyên, Tây Bắc), thậm chí giữa các tỉnh trong Vùng còn lỏng lẻo, tạo thành một yếu tố cản trở phát triển du lịch Vùng.

Để phát triển du lịch nông thôn của Vùng một các hiệu quả, bền vững, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, xưa nay, nhiều mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái đã hình thành, phát triển mạnh và mang lại hiệu quả thiết thực tại một số vùng nông thôn của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, nhiều mô hình nông thôn mới đã được hình thành mà mục tiêu chung hướng đến là làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, để tạo sợi dây kết nối, sự liên kết trong việc phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới của vùng thì thật sự chưa đặt ra bài toán để để nghiên cứu, để tìm tòi, tìm hướng đi và đề ra giải pháp để giải quyết...

Lần hội thảo này là để phân tích, đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức trong việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; từ đó đề ra giải pháp để phát triển du lịch nông thôn trong những năm tiếp theo.

“Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, các chuyên gia sẽ luận bàn và đưa ra giải pháp trong việc liên kết xây dựng mô hình này cũng như những điều kiện cần và đủ để thực thi mang lại hiệu quả thiết thực, kèm theo đó là các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển mang lại thành công”, ông Lê Trí Thanh phát biểu.

Công Bính