“Vựa lúa của thế giới” cũng... thiếu gạo

(Dân trí) - Chính phủ các nước châu Á, nơi vốn được mệnh danh là “vựa lúa của thế giới”, cũng đang nỗ lực đảm bảo an ninh lương thực của nước mình, trong bối cảnh giá gạo trên thị trường quốc tế đã tăng 30%.

Việt Nam đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ mức 4-4,5 triệu tấn xuống còn 3,5 triệu tấn trong năm 2008, nhằm bình ổn giá lương thực trong nước. Trong khi đó, Ấn Độ nâng giá sàn đối với gạo xuất khẩu lên 1.000 USD/tấn, so với mức 650 USD/tấn, nhằm kiềm chế việc tăng giá gạo trên thị trường nội địa.

 

Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp đầu mối đang tiếp tục gom hàng và huỷ hợp đồng với đối tác xuất khẩu.

 

Ông Vichai Sriprasert, chủ tịch công ty xuất khẩu gạo Riceland International của Thái Lan, cho biết những công ty có gạo để xuất đang kiếm được lợi lớn vì tình trạng hiện nay là thiếu hàng xuất khẩu. Các công ty đầu mối không chịu giao hàng.

 

Tình trạng khan hiếm hàng và tăng giá càng trở nên trầm trọng sau khi Ai Cập và Campuchia ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực. Giá gạo trên thị trường thế giới đã tăng lên mức kỷ lục vào hôm 27/3 vừa qua. Dự trữ gạo của thế giới ở mức thấp nhất kể từ năm 1976.

 

Tình trạng giá thực phẩm leo thang tại châu Á đang làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ bất ổn xã hội và khiến các tổ chức cứu trợ phải kêu gọi thêm nguồn tài trợ để có thể duy trì các chương trình phân phối lương thực.

 

Chương trình lương thực thế giới (WFP) cho biết tình trạng giá cả leo thang như hiện nay sẽ khiến chi phí hoạt động của họ tại châu Á tăng 160 triệu USD. Tổ chức này cũng cho biết tại Afghanistan, năm ngoái 50 triệu USD còn mua được 189.000 tấn gạo, đủ để cứu đói cho 3,5 triệu người. Năm nay, cũng số tiền đó sẽ chỉ mua được 112.000 tấn, chỉ cứu đói được 1,9 triệu người.

 

Giá gạo đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu do nhu cầu tại châu Á, Trung Đông và châu Phi tăng.

 

Mặc dù giá gạo tăng mạnh, nhưng một số chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng cán cân cung cầu đối với mặt hàng này về cơ bản không có gì thay đổi.

 

“Ở đây có một sự phản ứng hơi quá. Nếu nhìn vào tương quan cung cầu, bạn sẽ thấy chẳng có lý do gì đặc biệt khiến gạo tăng giá, nhưng chính phủ nhiều nước đang có những biện pháp đề phòng” - chuyên gia phân tích chính sách lương thực của Tổ chức nông lương thế giới (FAO), Sumiter Broca, nhận định.

 

Ấn Độ tuyên bố sẽ hy sinh tốc độ tăng trưởng kinh tế để kiềm chế lạm phát.

 

Đặng Lê

Theo FT