"Vua cá" bất ngờ bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán

(Dân trí) - Kinh doanh sa sút, nợ nần, cổ phiếu của đại gia thủy sản sẽ phải huỷ niêm yết bắt buộc vì một nguyên nhân khó tin, là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.

Loạt đại gia cho nhà “Cường đôla” vay hàng triệu USD

Ngoài mẹ con bà Nguyễn Thị Như Loan - bà chủ Quốc Cường Gia Lai thì công ty này cũng đang vay mượn từ hàng chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng từ những cá nhân khác.

Trong đó đáng chú ý là mượn tiền bà Nguyễn Ngọc Huyền My gần 16 tỷ đồng (con gái bà Như Loan); mượn bà Nguyễn Thị Như Loan 149,2 tỷ đồng; mượn bà Lại Thị Hoàng Yến 51,6 tỷ đồng, và mượn của cổ đông Lầu Đức Duy gần 137 tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty nhà Cường đôla cũng vay của các công ty khác số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng. Tổng số tiền đang vay mượn các bên liên quan là 1.214,1 tỷ đồng.

Công ty đại gia Dương Ngọc Minh bị “đuổi” khỏi sàn

Tuần qua, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HSX) vừa công bố quyết định huỷ niêm yết bắt buộc đối với hơn 227 triệu cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương kể từ ngày 5/8 tới.

Vua cá bất ngờ bị “đuổi” khỏi sàn chứng khoán - 1

Công ty của "vua cá" Dương Ngọc Minh sẽ phải rời sàn sau hơn 1 thập kỷ niêm yết

Nguyên nhân khiến HVG của ông Dương Ngọc Minh bị huỷ niêm yết, theo HSX là do, công ty này đã vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và các trường hợp khác mà HSX hoặc Ủy ban chứng khoán Nhà nước xét thấy cần thiết huỷ niêm yết bắt buộc nhằm “bảo vệ nhà đầu tư”.

Trước đó, vào trung tuần tháng 4/2020, HSX đã có công văn nhắc nhở HVG về việc chậm công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất quý 1/2020. Sau đó, đến giữa tháng 5, cơ quan này một lần nữa có công văn nhắc nhở lần thứ 3 và đề nghị công ty khẩn trương công bố thông tin nhằm đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, công ty của đại gia Dương Ngọc Minh vẫn chưa công bố 2 báo cáo này.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đối mặt giai đoạn u ám

Các đại gia trong ngành hàng không và dịch vụ hàng không dồn dập gặp hạn do đại dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát trở lại. Doanh nghiệp của ông vua hàng hiệu Johnathan Hạnh Nguyễn cũng khó khăn chưa từng có.

CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS) vừa ghi nhận kết quả quý II lỗ nặng nhất kể từ khi lên sàn với doanh thu thuần lao dốc gần 80% xuống chỉ còn 13 tỷ đồng, lỗ hơn 5,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masco lỗ gần 7 tỷ đồng.

Ngay cả “gà đẻ trứng vàng” của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là Sasco cũng lao dốc. Theo đó, Sasco ghi nhận doanh thu quý II giảm 92% so với cùng kỳ xuống chỉ còn hơn 60 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận chỉ bằng 1/5 so với quý II/2019. Tính chung cả năm, lợi nhuận của ông lớn dịch vụ hàng không giảm tới 80%.

Tương lai của các doanh nghiệp hàng không và dịch vụ hàng không không mấy sáng sủa khi đại dịch vẫn kéo dài với làn sóng lây nhiễm thứ 2 khó lường.

Chủ tịch quy y Tam Bảo, tập đoàn bỏ siêu dự án chục tỷ đô

Tập đoàn Hoa Sen là cái tên được nhắc tới nhiều trong thời gian gần đầy khi người đứng đầu - Chủ tịch Lê Phước Vũ quy y Tam Bảo.

Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý nhất từ tập đoàn của ông Lê Phước Vũ tuần qua lại là việc, Tập đoàn này đã có thông báo ra quyết nghị thông qua chủ trương chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận.

Công ty Cảng tổng hợp quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận là chủ đầu tư của dự án cảng biển tổng hợp Cà Ná. Còn Công ty Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận là chủ đầu tư dự án đầu tư hạ tầng KCN Cà Ná.

Hai công ty này đều được chuyển nhượng 100% vốn.

Ngoài ra, Hoa Sen của ông Vũ cũng quyết định giải thể một số công ty con đã được thành lập để triển khai dự án.