1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ xô xát tại Khu Công nghiệp: Doanh nghiệp ngoại mong muốn Chính phủ hỗ trợ

(Dân trí) - Tính đến sáng 19/5/2014, 80-90% doanh nghiệp xảy ra xô xát, đập phá đã hoạt động trở lại bình thường. Chính phủ đã và đang tìm cách trợ giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại khắc phục hậu quả, đồng thời cam kết không để lặp lại vụ việc nào tương tự.

Vụ xô xát tại Khu Công nghiệp: Doanh nghiệp ngoại mong muốn Chính phủ hỗ trợ
Việc tuần hành của các công nhân phản đối Trung Quốc đã bị một số phần tử lợi dụng gây xô xát, đập phá nhà xưởng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Ngân hàng Nhà nước: Người dân nên bán vàng vào thời điểm này

* 95% đất đai đã được cấp "sổ đỏ"

* Putin thăm Trung Quốc, giành “cú hích ngoại giao”

* MobiFone lại bị nghi ngờ về tiến độ cổ phần hóa

Tại cuộc gặp giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các cơ quan Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, bao gồm đại diện hơn 20 hiệp hội doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, lợi dụng việc biểu thị lòng yêu nước, một số phần tử quá khích đã có những hành động vi phạm pháp luật, đe dọa an ninh xã hội, gây thiệt hại kinh tế cho một số doanh nghiệp nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc và một số nước, vùng lãnh thổ khác; gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam. 

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, chính phủ Việt Nam đã triển khai một loạt cuộc họp, ra các chỉ thị để triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi trái pháp luật, phối hợp với các doanh nghiệp nước ngoài khôi phục sản xuất; các đối tượng gây rối sẽ bị xử lý theo pháp luật Việt Nam.

Theo thông tin từ ông Lộc, ở các địa phương xảy ra sự cố, tình hình đã ổn định trở lại. Tính đến sáng 19/5/2014, 80-90% doanh nghiệp xảy ra xô xát, đập phá đã hoạt động trở lại bình thường. Chính phủ đã và đang tìm cách trợ giúp các doanh nghiệp bị thiệt hại khắc phục hậu quả. 

Người đứng đầu VCCI cũng cho rằng, với sự kiện lần này, Chính phủ Việt Nam đã chứng minh khả năng kiểm soát tình hình, bảo đảm an ninh an toàn cho người dân và doanh nghiệp, kiên quyết thực hiện các biện pháp cần thiết theo đúng pháp luật và cam kết quốc tế để bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn về tài sản và tính mạng. Ông Lộc khẳng định, Chính phủ kiên quyết không cho phép các hành vi phá hoại nhằm vào người nước ngoài và bảm đảm các sự việc đáng tiếc vừa qua sẽ không tái diễn. 

"Việt Nam cảm ơn, ghi nhận vai trò của các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho FDI; đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp yên tâm đầu tư ở Việt Nam và tiếp tục triển khai các hoạt động kinh doanh đầu tư ở Việt Nam" - ông Lộc nói.

Cam kết không để lặp lại sự việc đáng tiếc

Tham dự tọa đàm lần này, bà Liu Mei Teh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Hiệp hội thương mại Đài Loan tại Việt Nam phản ánh, sự việc vừa rồi, đã khiến các doanh nghiệp nước này không chỉ thiệt hại về nhà xưởng mà còn tạo nên sự lo lắng cho các doanh nhân và người thân của họ. 1/10 nhà đầu tư Đài Loan ở Việt Nam đã rút về Đài Loan và hiện vẫn đang chờ các động thái từ Chính phủ Việt Nam để đảm bảo sự an toàn trong tương lai cũng như xem xét về triển vọng đầu tư. 

"Tuy nhiên, trong số chúng tôi có nhiều người có niềm tin với Chính phủ Việt Nam. Niềm tin này chỉ có thể củng cố bằng hành động trong tương lai của Chính phủ" - đại diện các doanh nghiệp Đài Loan cho biết.

Đồng thời, vị đại diện này cũng đưa ra một số kiến nghị như đề xuất Chính phủ hỗ trợ bảo hiểm xã hội cho người lao động nhằm giảm thiểu gánh nặng cho các doanh nghiệp bị tổn thất, đề xuất nới lỏng cấp giấy phép cho lao động nước ngoài....
 
Bà Liu Mei Teh cũng gợi ý Chính phủ Việt Nam xác thực thủ tục xác nhận tổn thất của doanh nghiệp và có phương án hỗ trợ. Trước ý kiến ngày, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định, luôn chia sẻ với các doanh nghiệp Đài Loan - là một trong 5 nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Ông Lộc thừa nhận rằng, hành động phá hoại vừa qua không chỉ là phá hoại kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài mà chính là phá hoại các cơ sở kinh doanh, kinh tế của chính nền kinh tế Việt Nam. Chủ tịch VCCI cũng đồng ý về tốc độ xử lý kiến nghị.

Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ, Australia đều bày tỏ quan ngại, đồng thời cho biết chờ đợi cách giải quyết, xử lý vấn đề từ Chính phủ Việt Nam.

Ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, cơ quan này đang tổng hợp tình hình để báo cáo Chính phủ để có biện pháp kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Trong khi đó, đại diện Bộ Tài chính, ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế cũng thông báo, ngày 16/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có công điện ngày gửi địa phương, các cục hải quan/thuế triển khai một số biện pháp liên quan đến giúp đỡ các doanh nghiệp về vấn đề này, làm sao đảm bảo không để ảnh hưởng đến quá trình quyết toán thuế, giảm thuế của doanh nghiệp, khẩn trương triển khai các biện pháp và giải quyết các vấn đề về thuế theo quy định.. Đồng thời có biện pháp phòng ngừa lợi dụng tình hình để trục lợi bảo hiểm. 

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) nói: "Tôi tin rằng sự kiện vừa qua là đáng tiếc, duy nhất và không lặp lại". 

"Của đau, con xót" - ông Bình cũng chia sẻ với những tổn thất của doanh nghiệp, đồng thời khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang rất quyết tâm và nỗ lực giải quyết hậu quả. Trong quá trình này, Việt Nam mong mỏi sự phối hợp, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cùng quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc một lần nữa tái khẳng định, những ngày qua, tình hình tuy phức tạp nhưng chứng minh Chính phủ Việt Nam có khả năng kiểm soát tình hình và có khả năng đảm bảo sự việc tương tự sẽ không diễn ra thời gian tới.

Bích Diệp

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước