Vụ Vinasun kiện Grab: Tự nhận “đổ thêm dầu vào lửa”, Fastgo lên tiếng “tố” Grab
(Dân trí) - Công ty CP Fastgo vừa có văn bản gửi TAND TPHCM lên tiếng về vụ kiện giữa Grab và Vinasun. Theo Fastgo, động thái này nhằm làm rõ thông tin về hoạt động của các công ty công nghệ trong lĩnh vực vận tải.
Hôm nay (22/11), phiên tòa xử vụ Vinasun kiện Grab sẽ được mở lại. Đây là một trong những phiên tòa gây nhiều chú ý từ cả phía người dân lẫn doanh nghiệp.
Liên quan tới vụ kiện này, Công ty CP FastGo (công ty trực thuộc Tập đoàn NextTech Group) vừa có văn bản gửi TAND TP.HCM với mục đích “thông tin giúp các cơ quan có góc nhìn đầy đủ hơn về bản chất của các mô hình trung gian môi giới bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin”.
Theo đại diện Fastgo, các ý kiến tranh luận xung quanh vụ viện được chia làm 2 phe. Cụ thể, phe phản đối Grab cho rằng: Với các đặc điểm kinh doanh nội tại thì Grab phải được xếp vào loại hình doanh nghiệp vận tải truyền thống, bị ràng buộc với rất nhiều điều kiện kinh doanh chặt chẽ, trong khi đó Grab thì tự do kinh doanh mà không bị ràng buộc pháp lý và trách nhiệm xã hội như các hãng taxi truyền thống.
Trong khi đó, phe ủng hộ Grab thì cho rằng: Grab chỉ kinh doanh dịch vụ phần mềm kết nối giữa hành khách với tài xế trên mô hình kinh tế chia sẻ, và rằng không thể mang mô hình kinh doanh 0.4 để áp dụng cho tương lai 4.0…
Đại diện Fastgo đưa ra nhận định: Cả hai bên đều có những điểm hợp lý và chưa hợp lý, khiến các cơ quan quản lý và truyền thông lúng túng vì đây là vấn đề mới của cả ngành hai vận tải và công nghệ thông tin.
Tại văn bản này, đại diện Fastgo khẳng định “không bình luận việc Grab có phải là công ty kinh doanh vận tải hay không vì đây là chuyên môn của các cơ quan quản lý và đã có rất nhiều văn bản pháp quy”.
Thay vào đó Fastgo chỉ muốn tập trung phân tích làm rõ các khía cạnh công nghệ và dịch vụ mà các bên đang tranh cãi về việc mô hình của Grab và các công ty gọi xe khác có là trung gian môi giới kết nối các chuyến đi hay không với một số quan điểm điểm chính.
“Căn cứ trên thực tế hoạt động của Grab hiện nay, rõ ràng đây không phải là mô hình công ty công nghệ thuần tuý, cũng không phải hoàn toàn mang tính chất môi giới kinh doanh như các ứng dụng gọi xe khác”, đại diện Fastgo nhận định.
Minh chứng cho điều này, Fastgo cho biết: Grab chính là đơn vị quyết định giá cước chuyến đi theo thời điểm dựa trên các thuật toán mà có thời điểm giá cước có thể tăng cao 3-5 lần so với thông thường, giá cước này các tài xế hoàn toàn không biết trước mà chỉ hiển thị cho khách hàng khi đặt xe.
Nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì giá cước phải do bên bán (là tài xế) quyết định theo nguyên lý thị trường, vì vậy với cách tính giá cước này Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.
Fastgo lưu ý rằng nhiều nền tảng 4.0 lớn khác trên thế giới như AirBnB (chia sẻ nhà ở) hay Amazon (chợ trực tuyến) hay AppStore (kho tải phần mềm)... thì giá cả sản phẩm dịch vụ đều do chủ tài sản và người cung cấp dịch vụ quyết định.
Về thành toán: Theo công bố của Grab thì gần 50% số cuốc khách được thanh toán bằng thẻ ngân hàng, số tiền này sẽ về Công ty Grab trước khi thanh toán lại cho đối tác tài xế sau khi trừ chiết khấu. Fastgo cho rằng, nếu đơn thuần chỉ là trung gian môi giới thì tiền phải được chuyển thẳng từ thẻ của khách hàng sang ví điện tử hoặc tài khoản Ngân hàng của đối tác tài xế.
Trong trường hợp hiện tại, toàn bộ doanh thu thu từ khách hàng được ghi nhận là doanh thu của Grab, sau đó Grab thanh toán lại cho tài xế theo chính sách do Grab tự quyết định với đối tác, vì vậy Grab không đơn thuần là trung gian môi giới.
Fastgo cũng cho viết, hệ thống điều hành cuốc khách của Grab là chỉ định các lái xe phục vụ yêu cầu gọi xe của khách hàng. Trong trường hợp không nhận khách với một tỷ lệ nhất định, tài khoản của đối tác lái xe sẽ bị khóa và không được hoạt động. Khi khách hàng có bất kỳ phản hồi nào về đối tác lái xe (dù phản hồi đó đúng hay sai), Grab sẽ đơn phương khóa tài khoản của đối tác lái xe mà không có bất kỳ sự thương thảo hay xác minh nào.
“Như vậy là Grab trực tiếp cung cấp dịch vụ cho khách hàng và hoàn toàn đứng ra bảo vệ khách hàng, coi các đối tác lái xe là người cung cấp dịch vụ thuê cho Grab”, Fastgo nhận định.
Đáng lưu ý, theo đại diện Fastgo, Grab o bế không cho các đối tác lái xe được phép sử dụng ứng dụng của bất kỳ bên thứ 3 nào để giữ vị trí độc quyền, ngăn cản sự phát triển của các doanh nghiệp mới và cơ hội tăng thêm thu nhập của các đối tác lái xe, trong khi đó Grab không hề đảm bảo bất kỳ khoản thu nhập tối thiểu nào cho các đối tác lái xe.
“Với những quảng cáo hoa mỹ về việc có thu nhập cao và hấp dẫn để mời chào các đối tác lái xe đầu tư phương tiện để tham gia, nhưng sau đó Grab không đảm bảo thu nhập như quảng cáo đồng thời không cho phép các đối tác lái xe tham gia thêm các ứng dụng khác. Thậm chí Grab cũng can thiệp không có phép đối tác lái xe quảng cáo hay giới thiệu các ứng dụng gọi xe khác trên xe, nếu bị phát hiện sẽ bị khóa tài khoản”, Fastgo cho biết.
Cuối cùng, đại diện Fastgo cho biết, thông qua vụ việc của Vinasun kiện Grab đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề pháp lý trong hoạt động kinh doanh vận tải. “Vì vậy, chúng tôi mong muốn thông qua sự việc này, các cơ quan quản lý nhà nước có các quyết định và điều chỉnh các nghị định phù hợp, để các doanh nghiệp yên tâm hoạt động theo các quy định của pháp luật Việt Nam”, đại diện Fastgo nhấn mạnh.
Văn bản trên do Phó Tổng giám đốc Công ty FastGo ký và gửi đến TAND TP.HCM chỉ ít ngày trước khi phiên tòa Vinasun kiện Grab được mở lại. Bình luận trên trang cá nhân, Chủ tịch HĐQT Next Tech Group Nguyễn Hòa Bình tự nhận rằng động thái này là "đổ thêm dầu vào lửa" trong vụ Vinasun kiện Grab.
"FastGo gửi thư đến tòa đổ thêm dầu vào lửa vụ Vinasun kiện Grab, mời đọc một số phân tích chuyên môn về sự giả dối của Grab khi cố tình viện dẫn "cái gọi là 4.0" để lấp liếm cho những vi phạm của mình", Chủ tịch HĐQT Next Tech Group viết. Ông Bình cũng cho rằng, đây gọi là: người trong cuộc “vạch áo cho người xem lưng” nhằm đưa mọi thứ về đúng với các giá trị thật của nó.
Trước đó, theo kế hoạch TAND TPHCM sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện dân sự trên vào ngày 29/10. Tuy nhiên đến 14h20, Hội đồng xét xử đã quyết định quay lại phần xét hỏi xoay quanh phần bồi thường thiệt hại để làm rõ một số vấn đề. HĐXX quyết định tạm ngưng phiên tòa đến ngày 22/11.
Đây là lần thứ 4 vụ án này được đưa ra xét xử sau 3 lần hoãn phiên tòa để thu thập, bổ sung, xem xét chứng cứ để làm rõ các nội dung của vụ án.
Theo ông Nguyễn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm đoàn Luật sư TP.Hà Nội, gốc rễ của vụ kiện này đó là phải tìm ra ai gây thiệt hại cho ai và mối quan hệ nhân quả của vụ việc là như thế nào.
Ông Chiến cho rằng, nếu như xác định các mối quan hệ pháp luật thì việc đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong khi trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp cạnh tranh với nhau mà bắt duy nhất Grab chịu trách nhiệm là rất khó. Do vậy, cần bám sát vào việc chứng minh quan hệ nhân quả, hậu quả của việc đòi bồi thường 41 tỷ đồng có phải là do các doanh nghiệp khác gây ra hay không.
Nguyễn Khánh