Vụ tố "bốc hơi" gần 47 tỷ đồng ở Sacombank: Đề nghị rút hơn nửa tiền bị mất

Trung Thi

(Dân trí) - Nữ khách hàng trong vụ tố mất gần 47 tỷ đồng gửi ở Sacombank đề nghị phía ngân hàng trả 25 tỷ đồng, phần còn lại sẽ làm một sổ tiết kiệm có kỳ hạn 4 tháng.

Ngày 19/3, trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Sacombank chi nhánh Khánh Hòa cho biết đã nhận được văn bản đề nghị rút tiền của bà Hồ Thị Thùy Dương (trú TP Cam Ranh). Bà Dương là khách hàng tố bị "bốc hơi" gần 47 tỷ đồng gửi tại Phòng giao dịch (PGD) Sacombank Cam Ranh.

Theo văn bản đề nghị, bà Dương muốn rút 25 tỷ đồng về tài khoản cá nhân vào ngày 21/3. Đối với 21,9 tỷ đồng còn lại, nữ khách hàng này yêu cầu mở một sổ tiết kiệm 4 tháng, hết kỳ hạn sẽ rút cả gốc lẫn lãi.

Vụ tố bốc hơi gần 47 tỷ đồng ở Sacombank: Đề nghị rút hơn nửa tiền bị mất - 1

Phòng giao dịch Cam Ranh thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh Khánh Hòa (Ảnh: Phú Khánh).

"Đây là sự vụ lớn, nhưng xảy ra đột xuất, không nằm trong quy định, quy chế. Do vậy sẽ giao cho một bộ phận riêng của Sacombank giải quyết, vì đây còn liên quan đến tiền của Nhà nước, tiền của cổ đông chứ không phải muốn là làm được" - vị lãnh đạo Sacombank chi nhánh Khánh Hòa nói.

Bà Hồ Thị Thùy Dương cũng xác nhận về việc đã gửi văn bản đề nghị rút tiền đến Sacombank. "Sáng 19/3, tôi nhận được cuộc gọi của luật Sư Nguyễn Văn Trình - Trưởng ban Pháp chế của Sacombank. Sau khi đàm phán, luật sư Trình yêu cầu tôi làm đơn đề nghị để ông Trình có căn cứ giải quyết theo nguyện vọng" - bà Dương nói.

Trước đó như Dân trí đã thông tin, bà Hồ Thị Thùy Dương có đơn kêu cứu vì chưa được Sacombank giải quyết số tiền 46,9 tỷ đồng trong tài khoản mở tại PGD Sacombank Cam Ranh bị biến mất.

Theo bà này, sự việc xảy ra vào tháng 5/2022. Tổng cộng có 12 giao dịch, 9 lần rút tiền mặt và 3 lần chuyển khoản.

Điều đáng nói là 9 giao dịch rút tiền mặt nhưng thời gian thực hiện giao dịch toàn là các khung giờ từ 18h đến 21h (ngoài giờ hành chính). Có 3 giao dịch thì chủ tài khoản không biết tài khoản nhận là ai.

Sau nhiều lần làm việc với ngân hàng bất thành, bà Dương đã gửi đơn cầu cứu đến Cục Cảnh sát Hình sự và Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Thông cáo phát đi của Sacombank cho rằng thông tin bà Dương cung cấp là một chiều, chưa đầy đủ và không phản ánh đúng bản chất sự việc.

"Sacombank đã kiểm tra toàn bộ hồ sơ và phát hiện có bằng chứng vay mượn, hợp tác làm ăn ngoài xã hội giữa bà Dương và một số cá nhân nguyên là cán bộ, nhân viên PGD Cam Ranh trong nhiều năm" - Sacombank nêu.

Bên cạnh đó, theo ngân hàng, đối với 12 giao dịch mà bà Dương nói mình bị mất tiền, Sacombank có đầy đủ chứng từ có chữ ký nhận tiền của bà Dương, bao gồm 9 phiếu nhận tiền mặt và 3 ủy nhiệm chi. Toàn bộ các tài liệu này đã được Sacombank chuyển giao cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Khánh Hòa.

Ngân hàng khẳng định sẽ không thoái thác trách nhiệm với khách hàng Hồ Thị Thùy Dương nói riêng và các khách hàng liên quan đến vụ việc xảy ra tại PGD Cam Ranh.

Nói về nội dung 12 chữ ký, bà Dương cho rằng mình bị "gài" khi thực hiện ký vay đáo hạn 5 tỷ đồng tại PGD Cam Ranh.

"Khi thực hiện thủ tục vay đáo hạn khoản tiền 5 tỷ đồng tại PGD, gia đình tôi bị "gài" ký thêm nhiều giấy tờ nghi ngờ là xác nhận rút tiền. Vụ việc đã được gia đình đối chất với cán bộ đưa giấy tờ tôi ký ngày hôm đó" - gia đình nữ khách hàng cho biết.

4 cán bộ PGD Sacombank Cam Ranh bị khởi tố

Liên quan đến việc nhiều khách hàng gửi tiền ở PGD Sacombank Cam Ranh bị "bốc hơi", Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành khởi tố 4 cán bộ, nhân viên tại PGD này để điều tra về tội Tham ô tài sản.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà (47 tuổi, nguyên Phó PGD) và Ngô Thị Hồng Nhạn (41 tuổi, nguyên Thủ quỹ PGD Sacombank Cam Ranh) bị bắt tạm giam, 2 người khác được tại ngoại.

Ông Đỗ Trọng Thảo, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết về thực trạng nhiều khách hàng mất tiền gửi ở PGD Sacombank Cam Ranh.

Ông Thảo thông tin, trong sự vụ này có 2 nhóm khách hàng, một là các giao dịch thiếu chữ ký của khách hàng và một nhóm đủ chữ ký của 2 bên (ngân hàng và khách hàng - PV).

"Đối với nhóm thiếu chữ ký là lỗi của ngân hàng, chúng tôi đã chỉ đạo chi trả hơn 33 tỷ đồng cho những người này, nhóm còn lại đã được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, vì rõ ràng đầy đủ chữ ký là giao dịch hợp lệ" - ông Thảo cho hay.