Vụ Manulife yêu cầu khách "giữ im lặng" dưới góc nhìn chuyên gia luật

Thảo Thu

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng cam kết im lặng chứa những rủi ro cho khách hàng nếu ký giấy. Thỏa thuận này cũng có thể trở nên vô nghĩa nếu có sự can thiệp của bên thứ 3.

Xoay quanh vụ việc khách hàng được yêu cầu "giữ im lặng" nếu muốn Manulife hoàn tiền bảo hiểm mới đây, theo thông tin khách hàng phản ánh tới Dân trí, có thêm nhiều người được hẹn đến ký giấy "im lặng", giai đoạn ngày 9/5-18/5.

Luật sư phân tích những rủi ro nếu ký giấy

Ông Trương Minh Cát Nguyên - Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ tư vấn Pháp lý Bảo hiểm TILA - cho biết, việc ký giấy "im lặng" Manulife đưa ra là thỏa thuận dân sự.

Theo ông Nguyên, đến nay, hợp đồng liên quan đến sản phẩm bảo hiểm Tâm An Đầu Tư của Manulife được khách hàng mua qua Ngân hàng Sài Gòn (SCB) có dấu hiệu lừa đảo. Điều này có nghĩa hợp đồng có khả năng được xem là vô hiệu. Phía doanh nghiệp bảo hiểm đương nhiên phải có nghĩa vụ hoàn trả phí bảo hiểm khách hàng đã đóng, kèm thiệt hại gây ra do giao kết hợp đồng vô hiệu gây ra cũng như tiền lãi bên bảo hiểm đã giữ nhiều năm…

Việc đơn vị bảo hiểm đưa thêm đề nghị để giải quyết hợp đồng vốn đã vô hiệu bằng cách ký cam kết bảo mật, theo ông Nguyên, là đề xuất giao dịch dân sự thông thường phát sinh thêm.

Ông cho biết nếu khách hàng đồng ý ký thì đây được xem là thỏa thuận bổ sung, cũng là điều kiện để 2 bên dàn xếp tranh chấp. Nếu khách hàng ký giấy "im lặng", tức sẽ tiếp tục thực hiện một thỏa thuận mới.

Ông này nhận định việc Manulife đưa ra thỏa thuận không vi phạm pháp luật. Ông nói thêm: "Nhưng điều này cho thấy uy tín nhà bảo hiểm bị mất, khi phải đề xuất những thỏa thuận bổ sung để giải quyết một hợp đồng vốn đã vô hiệu".

"Ngay cả khi không ký, khách hàng vẫn có quyền đưa hồ sơ ra phía cơ quan chức năng, chứng minh đây là hợp đồng vô hiệu và yêu cầu hoàn trả tiền. Còn nếu khách hàng ký kết, đây trở thành thỏa thuận song phương", ông cho hay.

Vụ Manulife yêu cầu khách giữ im lặng dưới góc nhìn chuyên gia luật - 1

Hàng trăm người mang đơn tố cáo bảo hiểm Manulife và Ngân hàng SCB tới Công an TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Đặt trong bối cảnh khách hàng, đây dường như là phương án duy nhất họ có thể lựa chọn nếu muốn được nhận lại tiền nhanh. Tuy nhiên, theo ông Trương Minh Cát Nguyên, nội dung trong thỏa thuận chứa những rủi ro cho khách hàng.

Đơn cử, bản thỏa thuận không đề cập đến ngày cuối cùng Manulife trả tiền. "Giả sử khách hàng ký vào đó, nhưng bên bảo hiểm không trả tiền thì sao", ông nói. Ông cho rằng khách hàng cần đề xuất thêm thời hạn trả tiền và việc "giữ im lặng" chỉ có thể thực hiện khi đã nhận đủ tiền.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng không nêu rõ phương thức trả tiền để có đầy đủ nội dung giao dịch, làm cơ sở cho những phát sinh sau này xảy ra (nếu có).

Ông cũng đề xuất hợp đồng cần điều kiện "giữ im lặng" nhưng vẫn được phép cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng. "Khách hàng cần cho Manulife thấy bản thân cũng có hiểu biết nhất định trong việc thương thảo hợp đồng", ông nói.

Thỏa thuận có thể trở nên vô nghĩa

Vị chuyên gia cũng cho biết thỏa thuận này khi đặt bút ký cũng có thể trở nên vô nghĩa, nếu có sự xuất hiện của bên thứ 3.

"Chẳng hạn, nếu tòa án - cơ quan quyền lực cao nhất - yêu cầu các bên cung cấp thông tin để xử lý các khiếu nại thì khách hàng cũng không còn quyền bảo mật. Nếu không phải thông tin liên quan đến an ninh quốc gia thì sẽ phải cung cấp cho cơ quan chức năng", vị này nhấn mạnh.

Ngoài ra, không ít khách hàng phản ánh với Dân trí về việc Manulife chỉ giải quyết các khiếu nại trước ngày 30/4. Họ cho biết không nhận được thông tin này, đến khi biết thì đã quá ngày.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm