“Vũ khí” 160 tỷ USD của Nga trong cuộc đối đầu ở Ukraine

(Dân trí) - Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga sang châu Âu và Mỹ có thể sẽ đóng vai trò như một thứ “vũ khí” tốt nhất Tổng thống Vladimir Putin có trong tay để chống lại các đòn trừng phạt từ phương Tây.

“Vũ khí” 160 tỷ USD của Nga trong cuộc đối đầu ở Ukraine

Xuất khẩu dầu lửa và khí đốt trị giá 160 tỷ USD mỗi năm của Nga sang châu Âu và Mỹ có thể sẽ đóng vai trò như một thứ “vũ khí” tốt nhất Tổng thống Vladimir Putin
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, hôm nay (17/3), Mỹ và các nước đồng minh châu Âu sẽ họp Brussels, Bỉ để bàn biện pháp trừng phạt Nga. Ngày 16/3, Crimea đã tổ chức xong trưng cầu dân ý với kết quả đại đa số dân chúng vùng này muốn tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Mỹ và châu Âu không công nhận kết quả này, cho đây là vi phạm luật quốc tế, trong khi Nga giữ lập trường ủng hộ Crimea tách khỏi Ukraine và nói rằng, làm như thế là không phạm luạt.

Giới quan sát đánh giá, phương Tây dường như không có nhiều “vũ khí” để ngăn chặn Tổng thống Putin cho phép Crimea sáp nhập vào Nga. Cho đến hiện tại, những lời cảnh báo về cấm visa và đóng băng tài sản mà phương Tây đưa ra chưa hề khiến Nga “chùn bước”.

Với vị trí nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới, Nga đạt kim ngạch 160 tỷ USD đối với các mặt hàng dầu thô và khí đốt xuất sang châu Âu và Mỹ trong năm 2012. Theo ông Jeff Sahadeo, một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Đại học Carleton của Canada, việc phương Tây ngưng nhập khẩu dầu thô và khí đốt từ Nga sẽ khiến ngân sách của Moscow hao hụt phần nhiều, nhưng cái giá mà người tiêu dùng châu Âu phải trả có thể cũng sẽ rất lớn, và ông Putin sẽ không thay đổi kế hoạch.

Với quan điểm tương tự, các nhà phân tích từ Goldman Sachs, Bank of America, và Morgan Stanley, nhiều khả năng châu Âu sẽ không ủng hộ các lệnh trừng phạt hạn chế dòng dầu lửa và khí đốt từ Nga. Dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy, 30% nhu cầu khí đốt trong năm 2012 của các nước trong Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Nauy, Thụy Sỹ và các nước vùng Balkan được đáp ứng bởi nguồn nhập khẩu từ Nga. Phần lớn số khí đốt này đi qua hệ thống ống dẫn chạy qua Ukraine.

Phó giáo sư Seva Gunitsky thuộc Đại học Toronto của Canada nhận định, vấn đề trừng phạt năng lượng nhằm vào Nga có thể sẽ khiến Mỹ và châu Âu bất đồng quan điểm, bởi châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn dầu khí của Nga. Kim ngạch nhập khẩu dầu lửa và khí đốt từ Nga của châu Âu trong năm 2012 lớn gấp 38 lần so với mức nhập khẩu nhiền liệu từ Nga của Mỹ. Năm 2012, châu Âu nhập 156,5 tỷ USD dầu khí từ Nga.

Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt năng lượng cũng có thể “phản đòn” nếu nguồn cung bị cắt từ Nga khiến giá năng lượng tăng vọt, kéo theo phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng châu Âu.

Theo ông Gunitsky, sẽ là khôn ngoan hơn nếu phương Tây áp các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng tới hoạt động của giới tỷ phú Nga, những người được cho là có ảnh hưởng tới Tổng thống Putin. Các lệnh trừng phạt như vậy có thể bao gồm hạn chế visa hay đóng băng tài khoản ngân hàng. “Nếu họ muốn gây áp lực với lãnh đạo Nga hoặc trực tiếp với ông Putin, các lệnh trừng phạt ‘khôn ngoan’ có thể sẽ hiệu quả hơn và dễ dàng hơn đối với châu Âu, thay vì áp lệnh trừng phạt vào khí đốt của Nga”, ông Gunitsky nói.

Gần đây đã xuất hiện một số quan điểm cho rằng, Mỹ nên sử dụng nguồn khí đốt dồi dào của mình để tạo đối trọng về ảnh hưởng với Nga trong vấn đề Ukraine. Cơ sở của quan điểm này là, nguồn khí tự nhiên giá rẻ của Mỹ có thể được dùng để thay thế cho khí đốt Nga xuất khẩu sang Ukraine và Tây Âu.

Tuy nhiên, theo trang CNBC, không giống như ở Nga hay Trung Đông, ở Mỹ, các công ty tư nhân là đối tượng sở hữu và cung cấp khí đốt. Bởi thế, các nhà sản xuất thuộc khu vực tư nhân này nắm quyền ra quyết định đưa hàng tới đâu dựa trên các yếu tố thương mại như cung, cầu, và giá cả, thay vì tình hình địa chính trị.

Bên cạnh đó, dù cuộc cách mạng phát triển lĩnh vực năng lượng của Mỹ đã diễn ra được 5 năm, cơ sở hạ tầng khí đốt của nước này vẫn còn kém phát triển, với chỉ 200 đường ống đang hoạt động. Con số này là khiêm tốn nếu so với hệ thống ống dẫn khí đốt rộng lớn của Nga, trong đó có nhiều đường ống chạy qua Ukraine.

Theo cuốn World Factbook của CIA, năm 2012, Nga xuất khẩu gần 200 tỷ feet khối khí tự nhiên, dẫn đầu thế giới về lĩnh vực này. Qatar là quốc gia đứng thứ nhì, với 114 tỷ feet khối khí được xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ chỉ xuất khẩu được 46 tỷ feet khối khí.

Chưa kể, hiện nền kinh tế trì trệ của Ukraine chưa thể thanh toán được khoản tiền 2 tỷ USD mua khí đốt của tập đoàn quốc doanh Nga Gazprom. Theo ông Kartik Misra, nhà phân tích cấp cao thuộc công ty Energy Intelligence, nhìn vào đó, các công ty Mỹ khó có thể xem Ukraine là một đích đến đầu tư phù hợp.

Cuối cùng, ít nhất phải tới năm 2016 thì xuất khẩu khí đốt của Mỹ mới tăng mạnh so với mức hiện nay. Và như thế có thể sẽ là quá muộn để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Ukraine.

 
Phương Anh
Tổng hợp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước