Vụ hoa quả Trung Quốc nhiễm độc: Việt Nam làm đúng thông lệ quốc tế
(Dân trí) - “Vi phạm về quy định ATTP và mất ATTP là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi vi phạm quy định ATTP thì vẫn còn đủ thời gian để các cơ quan quản lý xác định các biện pháp ngăn chặn. Với mức đó, gần như chưa ảnh hưởng đến sức khỏe.”
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Bộ GTVT giải thích về việc trả lương cho Dương Chí Dũng * Vì sao người Việt bị 'đầu độc' bởi chính mình và...Trung Quốc? |
Có một thực tế là toàn bộ số lô hàng này đã được thông quan và đưa vào tiêu thụ hết trên thị trường Việt Nam trước khi các cơ quan chức năng có kết quả về kiểm tra dư lượng thuốc BVTV. Vụ việc này đặt người tiêu dùng Việt Nam vào tình huống “sự đã rồi” mà mấu chốt của vấn đề là do quy định quy trình kiểm tra ATTP quy định tại Thông tư 13.
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về việc trước sự việc trên, Bộ NN&PTNT có cân nhắc đến khả năng điều chỉnh hoặc sửa đổi quy định hiện hành cho phù hợp với yêu cầu thực tế và vì lợi ích của người tiêu dùng không, cuối giờ chiều 27/6, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết: Trong trường hợp này Việt Nam đã làm theo đúng trình tự quy định theo thông lệ quốc tế. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ không phải sửa đổi gì quy định hiện hành.
Ông Hồng cho biết: Theo quy định của Thông tư 13, lô hàng nào vi phạm, doanh nghiệp nào vi phạm chúng ta đã xử lý ngay lập tức và không có trong quy trình theo quy định là phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu biết theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo thông lệ quốc tế. Việc Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm thủy sản (Nafiquad) thông báo cho Tổng cục Giám sát chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc – AQSIQ biết là nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa các cơ quan thẩm quyền của hai nước khi có vấn đề phát sinh trong công tác quản lý thực phẩm, phát hiện lô hàng hai bên xuất khẩu có vấn đề thì thông báo cho các bên được biết.
“Trong văn bản này phía Việt Nam cũng yêu cầu phía Trung Quốc truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và báo cáo kết quả cho phía Việt Nam. Đây không phải là quy trình bắt buộc trong việc xử lý vi phạm. Cho đến nay chúng tôi chưa nhận được phản hồi của phía nước xuất khẩu.”
Cục trưởng Cục BVTV cũng khẳng định rằng việc kiểm tra VSATTP với nông sản nhập khẩu được tiến hành thường xuyên, liên tục vì thế chúng ta đã phát hiện được những lô hàng vi phạm.
“Chúng ta đang thực hiện theo phương thức tuân thủ thông lệ quốc tế theo Thông tư 13. Đối với lô hàng kiểm tra theo mức độ thông thường chúng ta lấy xác xuất 10%, kiểm tra chặt sẽ lấy mẫu 30% nếu vi phạm 1 lần và nếu vi phạm 2 lần thì xác xuất kiểm tra sẽ là 100%. Đối với lô hàng thứ 2 trở đi phải đảm bảo an toàn mới được đưa vào Việt Nam. Đây là các phương thức đã được thống nhất trên toàn thế giới.”
“Giữa việc vi phạm về quy định ATTP và mất ATTP là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Khi vi phạm quy định ATTP là theo phương thức ngăn chặn từ xa thì mức vi phạm đó còn đảm bảo có thời gian để các cơ quan quản lý xác định các biện pháp ngăn chặn. Với mức đó thì gần như chưa ảnh hưởng gì đến sức khỏe.”
Ông Hồng giải thích thêm rằng trong trưởng hợp, mức vi phạm quy định về ATTP tăng rất đột biến trong thực tế thì các cơ quan quản lý nhà nước báo cho người tiêu dùng, thậm chí phải thu hồi nông sản vi phạm đồng thời một số trường hợp đặc biệt người ta phải khuyến cáo tạm thời không tiêu thụ một loại thực phẩm nào đó, từ nguồn gốc nào đó trong một thời gian nhất định nào đó để các cơ quan quản lý thu hồi.
Chính vì thế, chúng ta không phải lo ngại tại sao biết hoa quả vượt dư lượng thuốc BVTV tối đa cho phép mà người dân đã tiêu thụ hết rồi. Đây là quy định dựa trên nguyên tắc ngăn chặn từ xa, tức là khi có nguy cơ, hơi có nguy cơ mất ATTP là các bên phải thông báo cho nhau rồi chứ không phải chờ đến lúc mất ATTP rồi mới thông báo, ông nói thêm.