1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Vụ gian lận của Khaisilk: Nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả

(Dân trí) - Ngay sau thông tin gây chấn động ông Hoàng Khải – chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận công ty này bán khăn "made in China" nhưng lại mang thương hiệu Khaisilk, một số chuyên gia cho rằng, vi phạm này, nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả

Trao đổi về vụ việc đang được dư luận quan tâm trên, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Trần Hùng cho rằng, việc “nhập nhằng” xuất xứ khăn lụa của Tập đoàn Khaisilk đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của thương hiệu Việt. Đây là sự việc rất đáng buồn cho một thương hiệu sau bao nhiêu năm gầy dựng, giữ gìn.

Theo ông Trần Hùng: "Sự việc của Khaisilk đã gây nên một chấn động rất lớn trong dư luận và ngay cả bản thân ông Hùng cũng cảm thấy bất ngờ bởi rất nhiều người đã và đang tin tưởng thương hiệu Khaisilk. Khăn lụa Khaisilk thường được dùng làm quà cho các đối tác, bạn bè quốc tế khi sang Việt Nam để ngoại giao hay hợp tác kinh doanh. Nó sẽ ảnh hưởng đến “cái nhìn” của bạn bè quốc tế vào những sản phẩm, thương hiệu có xuất xứ từ Việt Nam. Việc mất uy tín của thương hiệu chỉ là một phần nhưng tổn thất lớn nhất chính là việc mất niềm tin trong nhân dân”.

Cục phó Cục Quản lý thị trường cho biết, các cơ quan chức năng như lực lượng Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế cần nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu ngọn ngành vụ việc.

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Đức, Chủ tịch hãng Luật Basico: "Vụ việc gian lận của Khaisilk nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả. Còn nếu nặng thì có thể chiếu theo tội lừa đảo khách hàng".

Khăn của Khaisilk được bị khách hàng tố cắt mác made in China và gắn mác hàng Việt
Khăn của Khaisilk được bị khách hàng tố cắt mác made in China và gắn mác hàng Việt

Theo Luật sư Đức: Vấn đề của Khaisilk là hiện nay người tiêu dùng cầm giữ lại hóa đơn, chứng từ, sản phẩm để chứng minh sản phẩm đó bị làm giả, lừa đảo. Khi chứng minh hàng mua đó rồi thì cần bước tiếp theo là khởi kiện với cơ quan pháp luật.

Tình tiết đáng chú ý là trong 60 chiếc khăn mà đại lý của Khaisilk tại Hà Nội bán cho khách hàng, ban đầu đại lý này nói chỉ 1 cái lấy thêm ở chỗ khác là được sản xuất từ Trung Quốc, còn 59 cái khác vẫn là hàng Việt Nam. Nhưng sau đó đại diện của Khaisilk thừa nhận số hàng trên là hàng Trung Quốc.

Ông Đức cho rằng: "Vấn đề 59 chiếc mới đầu nói là hàng của Việt Nam, 1 cái là hàng Trung Quốc, sau đó xác nhận lại là hàng Trung Quốc thì đây là tiền hậu bất nhất, lảng tránh dư luận....".

Theo ông Đức: Quyền lực người tiêu dùng hiện nay là họ có quyền tẩy chay, còn nếu để pháp lý vào cuộc thì có thể mất thời gian thêm nữa. "DN sợ nhất là người tiêu dùng tẩy chay hàng hoá, sợ không bán được hàng chứ không sợ bị luật pháp xử phạt hành chính. Xử phạt vài trăm triệu đồng đối với họ chẳng thấm tháp gì", ông Đức nói.


Bộ Công Thương đã nhanh chóng yêu cầu kiểm tra, xử lý nếu Khaisilk có sai phạm về xuất xứ hàng hóa

Bộ Công Thương đã nhanh chóng yêu cầu kiểm tra, xử lý nếu Khaisilk có sai phạm về xuất xứ hàng hóa

Theo vị luật sư của Basico: Khaisilk quá nổi tiếng, là thương hiệu lớn , vì vậy vấn đề này đã gây sốc cho người tiêu dùng. Nếu sự việc xảy ra ở công ty nhỏ, DN không tên tuổi thì cũng hạn chế ảnh hưởng, còn đối với thương hiệu nổi tiếng thì đây là cú sốc quá lớn.

Theo ông Đức, việc cần làm là Khaisilk cần dũng cảm đứng ra đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng cả về vật chất, cả về tinh thần. "Họ có dám thực hiện đền bù thiệt hại như sự cố cháy nổ pin của Samsung vừa qua hay triệu hồi của nhiều thương hiệu xe ô tô trên thế giới hay không. Nếu không đừng hy vọng người tiêu dùng sẽ tin vào những gì anh làm nữa", LS Đức nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề của công ty Khaisilk, PV Dân Trí đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas). Ông Hùng cho biết: "Từ sáng đến giờ (26/10) tôi nhận được rất nhiều cuộc điện thoại của báo giới, chúng tôi vẫn đang xem xét sự việc và trả lời báo chí sớm nhất".

Về phía Tập đoàn Khaisilk, trao đổi với PV Dân Trí sáng nay (26/10) bà Thủy Âu, đại diện Truyền thông Khaisilk cho biết: Công ty này đã đứng ra xin lỗi và xác nhận vụ việc với 2 cơ quan báo chí và từ chối trả lời các câu hỏi khác của báo Dân Trí. Phía Khaisilk cho biết ông Hoàng Khải đang bận việc khác nên chưa có thời gian trả lời cho dư luận.

Tuy nhiên, người tiêu dùng muốn có những câu trả lời khác liên quan đến quyền và lợi ích của người mua hàng, trách nhiệm của Khaisilk, đại diện truyền thông công ty này nói: "Bây giờ sẽ không có báo nào hỏi hay phỏng vấn được nữa nên anh cứ yên tâm. Bên Khaisilk đã đưa ra vấn đề và nhận trách nhiệm rồi, chúng tôi không phủ nhận vấn đề này".

"Thật sự sếp chúng tôi đang ở Phú Quốc, chứ không ở TP.HCM để lo trả lời báo chí được. Cái này (kinh doanh hàng thời trang cao cấp) chỉ là một phần của Khaisilk, bên chúng tôi còn nhiều dự án khác nên phải tiếp tục làm việc", bà Âu thông tin.

PV Dân Trí cũng đã liên hệ với ông Hoàng Khải để thông tin thêm về vụ việc cũng như hướng xử lý, trách nhiệm của cá nhân ông này. Tuy nhiên, điện thoại của ông Hoàng Khải luôn tắt máy.

Nguyễn Tuyền

Vụ gian lận của Khaisilk: Nhẹ nhất là xử phạt gian lận thương mại, hàng giả - 3