1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc

(Dân trí) - Sau những lùm xùm quanh sự lẫn lộn giữa lụa Việt và lụa Trung Quốc, niềm tin của chính người Việt vào các sản phẩm Việt nói chung và lụa tơ tằm nói riêng đang rất thấp. Hơn lúc nào hết, người tiêu dùng cần phải tự trang bị cho mình những kiến thức về hàng hóa.

Niềm tin xuống thấp, muốn mua lụa Việt khách hàng cần biết gì?

Cũng giống như nhiều người khác, nhóm PV cũng không thực sự hiểu biết về lụa Việt và lụa Trung Quốc nên phải tìm đến chị Lương Thanh Hạnh – giám đốc một hãng lụa có tiếng để tìm hiểu.

Vốn xuất thân từ làng dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương, Thái Bình), từ bé chị Hạnh ấp ủ giấc mơ mang nghề truyền thống của quê hương mình ra khắp thế giới.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 1

Nhưng giữa thời buổi kinh tế thị trường, việc giữ được nghề truyền thống là điều vô cùng khó khăn bởi chị Hạnh khẳng định, lụa Trung Quốc mềm mịn, có độ dai, chắc và bền hơn hẳn các sản phẩm lụa thủ công của Việt Nam, mà giá lại vô cùng cạnh tranh nên các doanh nghiệp Việt đang khó giữ mình.

Nhận biết lụa Việt và lụa Trung Quốc thế nào?

Vừa giơ chiếc khăn lụa được làm thủ công lên tay, chị Hạnh giải thích: “Để nhận biết được lụa tơ tằm của Việt Nam và lụa tơ tằm của Trung Quốc cần chú ý 3 điểm lớn. Thứ nhất, về màu sắc, hàng của Trung Quốc luôn rực rỡ và rõ nét hơn Việt Nam rất nhiều. Màu sắc của Trung Quốc sẽ sắc sảo hơn, còn lụa Việt Nam thì sẽ không nhuộm được hoàn toàn đều như là của Trung Quốc.”.

“Thứ 2, về họa tiết, hàng Trung Quốc sẽ có nhiều họa tiết cầu kì và thường in trực tiếp lên sản phẩm, còn hàng Việt thì sẽ rất hiếm họa tiết. Lụa Việt thường thường là trơn, hoặc khi nhuộm chỉ có thể ra những hình ô vuông, ô tròn thôi, chứ không thể làm như hàng Trung Quốc được”, chị Hạnh nói.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 2

“Một chiếc áo lụa tơ tằm Việt Nam dệt hoàn toàn thủ công sẽ có màu sắc không đều và độ dệt có phần thô ráp. Như chất liệu của Trung Quốc họ sẽ in và nhuộm, còn đối với hàng Việt, hoặc hàng của tôi thì sẽ thuê họa sĩ vẽ trên nền lụa. Vì làm qua bàn tay con người nên không thể hoàn hảo, sản phẩm vẽ ra sờ vào cũng sẽ thô ráp”, giám đốc trẻ chia sẻ về điểm cuối cùng cần lưu ý.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 3

Ngoài ra chị Hạnh còn chỉ ra một số điểm nhỏ ở hàng Việt như: “Hàng thủ công của mình có thể có một chút lỗi trên chất liệu vải, cũng như nhuộm màu không được 100% là đạt chuẩn nên màu sẽ không đều. Đặc biệt, chiếc khăn 100% lụa tơ tằm Việt Nam sẽ rất nhăn, phải là ở chế độ lụa mới đỡ phần nào”.

“Nguyên nhân là do được làm thủ công, ngay cả màu sắc cũng được nhuộm hoàn toàn thủ công. Như hàng của tôi, tôi đã lên vùng dân tộc để tìm ra công nghệ nhuộm làm sao không bị phai màu mà màu sắc vẫn tươi sáng”, chị Hạnh cho biết thêm.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 4

Không được nuột nà như hàng Trung Quốc nhưng chị Hạnh cho rằng: “Sự thô ráp đó vô tình lại trở thành điểm cộng trong mắt bạn bè quốc tế. Nếu đưa thêm họa tiết mang tính biểu trưng cho đất nước Việt Nam vào sản phẩm thì sẽ giúp bạn bè thế giới biết đến đó là Việt Nam”.

“Được làm thủ công nên sự thô ráp ấy chính là thứ bạn bè quốc tế rất yêu thích. Họ thích những món quà mộc mạc giản dị và được chính con người Việt Nam làm ra bằng chính đôi bàn tay hơn là máy móc. Người nước ngoài đi đến đâu cũng có suy nghĩ mua một thứ biểu tượng của nơi họ đặt chân đến và được làm ở chính nơi đó, nên sản phẩm lụa Việt Nam dù đắt vẫn được nhiều người yêu thích”, chị Hạnh chia sẻ.

"Cơn bão" quét qua có ảnh hưởng tới các doanh nghiệp lụa khác?

Chia sẻ về quan điểm cá nhân, chị Hạnh cho biết: “Tôi cũng đã đi tìm hiểu và xem những những nơi sản xuất, nơi bán lụa thì thấy rằng sự lẫn lộn giữa hàng thật, hàng giả đang rất nhiều. Hàng sản xuất ở Việt Nam thì rất ít mà hàng của Trung Quốc thì rất nhiều, theo tôi thì lụa thật chiếm 30% và lụa “giả thương hiệu” đang chiếm 70%”.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 5

“Tôi đi xem thì thấy ngạc nhiên vì hàng Việt của mình quá ít và bị trà trộn bởi các tiểu thương hay doanh nghiệp (DN) hướng tới lợi nhuận cao. Bởi vì lụa tơ tằm Việt Nam rất kì công, nên giá thành rất cao, khó cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rất thấp”, chị Hạnh nói.

Nữ giám đốc trẻ lo lắng: “Tơ lụa Việt Nam và Vạn Phúc rất nổi tiếng rồi, nhưng tâm lý khách hàng đang bị ảnh hưởng, người tiêu dùng đang không biết đâu là thật giả, nên dần dần khách hàng sẽ từ bỏ các thương hiệu Việt.”

“Điều quan trọng hơn là, khách du lịch nước ngoài sẽ cảm thấy Việt Nam mình có sự tráo trộn, người Việt không tâm huyết cũng như không có ý chí để phát triển thương hiệu Việt. Họ sẽ sợ và không muốn mua hàng tơ tằm Việt Nam nữa”, nữ giám đốc trẻ băn khoăn.

Vụ Khaisilk: Cách phân biệt lụa Việt và lụa Trung Quốc - 6

Hệ quả của việc các làng nghề, cửa hàng hay các doanh nghiệp không làm hàng Việt mà chỉ chạy theo lợi nhuận thì lụa Việt Nam sẽ bị mất đi và mai một dần dần. Thương hiệu lụa Việt sẽ mất ngay trên chính quê hương mình chứ chưa nói tới việc ra thế giới.

“Điều đáng buồn nhất đó là bạn bè, khách hàng sẽ không muốn quay lại Việt Nam nữa. Tôi và các doanh nghiệp khác trong ngành lụa sẽ bị hậu quả liên lụy như vậy”, chị Hạnh chia sẻ.

Thế Hưng
Ảnh & Clip Toàn Vũ