Vụ Công ty GFDI: Con giới thiệu mẹ làm khách; đóng tiền không có chứng từ
(Dân trí) - Công ty GFDI đưa ra các gói vay tài sản với mức lãi suất cao và ký bản hợp đồng nhưng không có chứng từ khi đưa tiền. Có trường hợp con gái thấy "lãi suất ổn", giới thiệu mẹ thành khách hàng của GFDI.
Con đưa mẹ thành khách hàng của Công ty GFDI
Liên quan đến vụ việc người dân "vây" Công ty TNHH MTV tư vấn đầu tư GFDI (Công ty GFDI) tại Đà Nẵng, nhiều người phản ánh nhân viên của công ty cũng từng kêu gọi người thân góp vốn dưới hình thức hợp đồng cho vay tài sản.
Từng là nhân viên của Công ty GFDI, chị V. (quê huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cho hay, làm tại công ty một tháng, chị xin nghỉ việc vì nhiều lý do. Thời điểm còn làm việc, chị có gặp khách hàng và được biết công ty trả lãi suất đúng thời hạn dù năm 2019 có xảy ra dịch Covid-19.
Công ty cũng giao chỉ tiêu cho nhân viên phải ký được 150 triệu đồng/tháng. Mỗi hợp đồng được ký kết chị sẽ hưởng 1% tiền hoa hồng.
Theo chị V., chỉ tiêu còn thiếu và thấy lãi suất thời điểm đó "cũng ổn" nên chị đã giới thiệu cho mẹ mình ký kết hợp đồng cho vay. Ban đầu, mẹ chị chỉ ký kết 70 triệu đồng, đáo hạn sau 3 tháng lãi được 5 triệu đồng.
Sau đó, mẹ chị có 2 lần gộp số tiền lãi vào tiền gốc và đóng thêm 20 triệu đồng để đáo hạn hợp đồng với công ty. Tổng số tiền đã ký kết là 100 triệu đồng, lần cuối ký là ngày 17/10. Đến ngày 5/11, nghe tin công ty "vỡ nợ" khiến chị hoang mang.
"Số tiền đó mẹ tôi cho công ty vay đến Tết thì rút, không ngờ lại xảy ra sự cố lớn như vậy. Khi hay tin chiều 8/11 sẽ được đối thoại với công ty, mẹ tôi đã từ Quảng Nam lặn lội ra từ sớm để chờ, nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía công ty", chị V. bày tỏ.
Một nữ khách hàng ở Huế lặn lội vào Đà Nẵng để đòi quyền lợi cũng cho hay, có cháu làm trong Công ty GFDI nên giới thiệu họ hàng cùng tham gia vào. Có người 150 triệu đồng, người cao hơn.
Một khách hàng khác tại Đà Nẵng cho hay, anh được người bạn giới thiệu tham gia ký kết hợp đồng 1 tỷ đồng với công ty vào ngày 24/9. Vừa ký được hơn một tháng, còn chưa nhận được lãi đã xảy ra chuyện làm anh hoang mang vì không biết số tiền của mình có lấy lại được hay không.
Đóng tiền cho công ty nhưng không có chứng từ
Anh B. (trú quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay, vợ là giáo viên và nghe theo một phụ huynh trong lớp làm tại Công ty GFDI giới thiệu ký kết hợp đồng cho vay với công ty.
Năm 2022 đến nay, vợ anh B. đã ký tổng cộng 4 hợp đồng với tổng số tiền gần 800 triệu đồng với công ty. Hợp đồng mới nhất vào tháng 10 với số tiền 150 triệu đồng. Đến ngày 5/11, anh mới tá hỏa nghe tin lan truyền công ty "tạm dừng những dự án đầu tư không còn khả năng sinh lợi".
Theo anh B. những năm đầu tham gia hợp đồng, lãi suất công ty hứa chi trả là 5%/tháng, sau đó giảm xuống còn 3%/tháng.
Trong hợp đồng của anh vẫn ghi lãi đúng theo luật quy định nhưng số tiền lãi đã được cộng trực tiếp vào số tiền gốc. Cụ thể, 150 triệu đồng khi ký kết sẽ được công ty ghi rõ trong hợp đồng là hơn 158 triệu đồng.
Ông T.T.T.V. (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) cho biết, ông là khách hàng của công ty từ năm 2020. Ban đầu, ông đầu tư 120 triệu đồng, thu lãi hơn 50%, tương đương 60 triệu đồng/năm.
Thấy công ty uy tín, trả tiền đúng hạn, ông V. tiếp tục đầu tư tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Trong một hợp đồng vay vốn của ông V., Công ty GFDI đã "hợp thức hóa" số tiền vay lên đến hơn 198 triệu đồng bao gồm cả tiền gốc và lãi.
Trong các hợp đồng khách hàng ký với Công ty GFDI mà phóng viên được cung cấp thể hiện là bản hợp đồng vay tài sản. Trong đó, người dân đồng ý cho doanh nghiệp này vay một khoản tiền với một lãi suất nhất định.
Lãi suất tùy theo mỗi hợp đồng mà người dân thỏa thuận với Công ty GFDI. Điều đáng lưu ý là khi chuyển tiền cho doanh nghiệp này, người dân cho biết không có phiếu thu, chứng từ.
Tiền lãi của hợp đồng sẽ được trả cùng với tiền gốc sau khi kết thúc thời hạn vay. Thời gian thanh toán tiền gốc và lãi không quá 3 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thanh toán.
Hợp đồng cũng nêu rõ, nếu sau khi kết thúc thời hạn vay, công ty không thanh toán cho người dân đúng thỏa thuận sẽ phải chịu lãi suất quá hạn theo quy định của pháp luật.
Công an Đà Nẵng đang làm việc với ông Nguyễn Quang Hoàng - Tổng giám đốc Công ty GFDI để xác minh các vấn đề liên quan.
Công an Đà Nẵng cũng nghi vấn công ty này mất khả năng chi trả cho 7.541 khách hàng với tổng số tiền dư nợ gốc hơn 3.700 tỷ đồng.
Công ty GFDI được thành lập năm 2018, vốn điều lệ 80 tỷ đồng, do ông Nguyễn Quang Hoàng là Giám đốc, người đại diện pháp luật đồng thời là Chủ tịch hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty.
Từ khi thành lập cho đến nay, ông Hoàng xây dựng mô hình kinh doanh của công ty theo hướng vay tiền của người dân bằng hình thức ký kết hợp đồng vay tài sản với hàng nghìn khách hàng khắp cả nước.
Tại Đà Nẵng, công ty này thường xuyên có các hoạt động tài trợ các giải đấu thể thao và quảng bá tưng bừng trên các nền tảng số, văn phòng phẩm…