Vụ Big C bất ngờ dừng nhập hàng may mặc Việt Nam: "Chỉ tạm dừng trong 15 ngày"

(Dân trí) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều nay (4/7), nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh thông tin Big C dừng thu mua hàng may mặc của các doanh nghiệp Việt Nam.

Vụ Big C bất ngờ dừng nhập hàng may mặc Việt Nam: Chỉ tạm dừng trong 15 ngày - 1
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại buổi họp báo chiều 4/7.

Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 4/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngay trong sáng nay, vị này cùng lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đã có cuộc làm việc Tổng giám đốc Central Group Việt Nam và đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

“Sau nhận được thông tin báo chí nêu, Bộ đã mời đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam (đơn vị sở hữu Big C trong thời hạn 10 năm) để làm rõ vụ việc này”, ông Hải cho biết.

Theo ông Hải, tại cuộc họp, đại diện Central Group khẳng định động thái này nhằm phục vụ cho chiến lược mới của họ trong thời gian tới.

“Họ đang xác lập lại hệ thống các ngành hành từng siêu thị. Do vậy nên phải tạm dừng mua hàng một số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng việc này chỉ diễn ra trong tầm 15 ngày”, ông Hải nói.

Cũng theo báo cáo của Tập đoàn này tại cuộc làm việc, họ đã gửi thư cho từng nhà cung ứng và khẳng định việc dừng mua hàng này chỉ “tạm thời”. Hiện họ có 4000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó có 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.

“Đại diện Big C cam kết ngay trong hôm nay mở lại đơn hàng 50/200 nhà cung cấp Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam. Sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa được mở lại đơn hàng. Còn lại khoảng 50 doanh nghiệp sẽ được đàm phán tiếp và thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn”, ông Hải nói.

Cũng theo thông tin ông Hải chia sẻ từ cuộc họp, đại diện Central Group cho biết có tình trạng “một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy định va cam kết theo hợp đồng đã ký”.

Về quan điểm của Bộ Công Thương, ông Hải cho biết: Việc giải quyết giữa Big C đối với 200 doanh nghiệp Việt Nam là chuyện giữa doanh nghiệp với nhau và trên cơ sở hợp đồng đã ký cũng như sự tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

“Chúng tôi bảo vệ, tôn trọng lợi ích nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng”, người phát ngôn Bộ Công Thương khẳng định.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 2/7, Central Group Việt Nam gửi thông báo đến các nhà cung cấp về việc dừng mua các sản phẩm may mặc trong nước.

"Nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam, chúng tôi quyết định tạm dừng hoạt động thu mua các sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp ngành hàng may mặc tại Việt Nam, kể từ tháng 7/2019", thông báo nêu.

Việc tạm dừng đặt hàng của Central Group sẽ kéo dài đến khi có thông báo tiếp theo. Phía tập đoàn cho biết, tất cả vấn đề phát sinh trước 2/7/2019 sẽ được tiếp tục giải quyết theo quy định của Hợp đồng Hợp tác Thương mại mà công ty đã ký với nhà cung cấp.

"Việc tạm ngừng đặt hàng tạm thời nói trên là do có sự thay đổi chiến lược phát triển mô hình ngành hàng may mặc cho phù hợp với chỉ đạo của Tập đoàn Central tại Thái Lan", thông báo cho hay.

Ngay sau thông báo, chiều 3/7, nhiều người lao động và chủ doanh nghiệp dệt may tập trung tại văn phòng đại diện Central Group ở TP HCM nhằm làm rõ vụ việc.

Nguyễn Mạnh