Bình Dương:
Vụ 3.000 tấn cà phê cầm cố cho 7 ngân hàng: Tiếp tục tranh chấp
(Dân trí) - Khi ngân hàng Agribank Lý Thường Kiệt đến lấy cà phê ở lô số 7 (gian số 1 - 5) trong kho của Công ty Trường Ngân, thì bị một số ngân hàng khác kéo đến ngăn cản. Sự việc căng thăng nên cảnh sát 113 được điều đến nhằm đảm bảo an ninh trật tự.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * Hôm nay giá gas giảm 13.000 đồng/bình 12 kg * Những gì luật pháp không cấm, người dân được tự do kinh doanh |
Chiều 30/11, lãnh đạo Công an TX.Dĩ An (Bình Dương) cho biết, tình hình an ninh trật tự ở khu vực kho chứa cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân (đường Nguyễn Thị Chạy, P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) đã được lập lại. Hiện các đơn vị liên quan đến vụ tranh chấp kho hàng của Công ty Trường Ngân đã được công an mời đến làm việc.
Trước đó, vào tối 28/11, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thông chi nhánh Lý Thường Kiệt, TP.HCM (Agribank Lý Thường Kiệt) đã cho xe tải, bảo vệ và nhân viên bốc vác đến kho hàng của Công ty Trường Ngân thu hồi tài sản mà công ty này đã cầm cố cho Agribank Lý Thường Kiệt vay hàng chục tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tính cả gốc lẫn lãi, Công ty Trường Ngân đã nợ Agribank Lý Thường Kiệt khoảng 67,1 tỉ đồng tương đương với 1.500 tấn cà phê.
Việc siết nợ này được Agribank Lý Thường Kiệt thực hiện quyết định giữa ngân hàng này với công ty Trường Ngân được TAND Q.4 (TP.HCM) ra công nhận.
Khi có quyết định này phía Agribank Lý Thường Kiệt đưa nhiều xe tải và công nhân bốc xếp đến lấy cà phê ở lô số 7 (gian số 1 - 5) trong kho của Công ty Trường Ngân, thì bị lực lượng bảo vệ và ô tô của một số ngân hàng khác kéo đến ngăn cản, chặn cửa ra vào. Đại diện các ngân hàng có mặt tại hiện trường đều cho rằng số cà phê mà Agribank Lý Thường Kiệt lấy đi cũng đã được Công ty Trường Ngân thế chấp cho họ và TAND Q.4 công nhận sự thỏa thuận giữa Công ty Trường Ngân và Agribank Lý Thường Kiệt đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các ngân hàng khác.
Các bên điều đưa ra những lập luận, chứng cứ của riêng mình và quyết không để Agribank Lý Thường Kiệt lấy cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân đi khiến vụ việc trở nên căng thẳng, có thể xảy ra xô xát. Trước tình hình này, lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát cơ động được điều đến hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.
Đại diện, bảo vệ các ngân hàng được mời về làm việc nhằm giải tán đám đông. Phía công an thị xã Dĩ An yêu cầu các ngân hàng khác không được ngăn cản việc lấy số cà phê mà Công ty Trường Ngân đã đem cầm cố cho Agribank Lý Thường Kiệt.
Vụ việc tranh chấp giữa 7 ngân hàng bắt đầu xảy ra từ 6/2013. Cụ thể, trước đó Công ty Trường Ngân đã dùng hàng ngàn tấn cà phê để vay nợ của 7 ngân hàng gồm: Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), (Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng MSB và Ngân hàng VIB) với số tiền lên đến 600 tỷ đồng nhưng sau đó không còn khả năng trả nợ.
Đến Ngày 3/12/2013, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã tổ chức việc cưỡng chế đối với công ty Trường Ngân. Đây là việc cưỡng chế hơn 3.000 tấn cà phê hạt ở trong kho của Công ty Trường Ngân làm tài sản thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Đông. Việc cưỡng chế này căn cứ quyết định của TAND Quận 4 (TPHCM) công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân: Các bên thống nhất xác định số tiền mà Trường Ngân còn nợ OCB là hơn 4,4 triệu USD. Trước đó, để đảm bảo khoản vay theo Hợp đồng tín dụng, Công ty Trường Ngân cầm cố cho OCB tài sản là khối lượng 3.360 tấn cà phê xô, đủ điều kiện xuất khẩu.
Tuy nhiên, khi kho cà phê của Công ty Trường Ngân được cưỡng chế hoàn thành, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều loại tạp chất đóng trong bao và chỉ có khoảng 700 tấn là cà phê “xịn”. Dù số cà phê “xịn” chỉ có bằng đó nhưng Công ty Trường Ngân vẫn đem thế chấp được nhiều ngân hàng để vay số tiền lên đến 600 tỷ đồng (tương đương khoảng 12.000 tấn cà phê).
Liên quan đến việc TAND Q.4 ra quyết và được Chi cục Thi hành án dân sự TX.Dĩ An tổ chức cưỡng chế trên 600 tấn cà phê ở một số lô trong kho để thu hồi nợ cho Ngân hàng OCB, đến ngày 20/3/2014 TAND TP.HCM đã hủy quyết định, giao toàn bộ hồ sơ cho TAND Q.4 giải quyết lại từ đầu. Quyết định của TAND TP.HCM nêu rõ: “Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án TAND Q.4 không cho các ngân hàng tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”.
Đến nay, vụ việc này vẫn lùm xùm chưa được giải quyết cụ thể nên dẫn đến việc tranh chấp giữa các ngân hàng nhằm “cầm chân” nhau không cho bên nào được lấy số cà phê trong kho của Công ty Trường Ngân đi.
Trung Kiên