Bình Dương:

Vụ 3.000 tấn cà phê cầm cố 7 ngân hàng: Ngoạn mục "hô biến" rác thành... tiền

(Dân trí) - Khi lực lượng chức năng hoàn tất việc cưỡng chế kho hàng của Công ty TNHH Trường Ngân phát hiện chỉ có 700 là tấn cà phê “xịn”, số còn lại là vỏ cà phê, rác cùng hàng trăm loại tạp chất trộn lẫn đóng trong bao.

Số cà phê “xịn” chỉ vào khoảng 700 tấn
Số cà phê “xịn” chỉ vào khoảng 700 tấn

Chiều 11/12, Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành việc cưỡng chế kho cà phê của Công ty TNHH Trường Ngân (Công ty Trường Ngân; trụ sở: Đường Nguyễn Thị Chạy, khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương), công tác kiểm kê cho thấy, trong kho cà phê của Công ty Trường Ngân chỉ có 1.500 tấn hàng. Trong đó, 700 tấn là cà phê, số còn lại chỉ la vỏ và rác, tạp chất không có giá trị về kinh tế.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Xuất hiện tình trạng ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn huy động

Như vậy khối lượng này không trùng khớp với 3.360 tấn mà Công ty Trường Ngân đã cầm cố cho các ngân hàng trong hợp đồng tín dụng để vay số tiền hơn 600 tỷ đồng.

Trước đó, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã tổ chức việc cưỡng chế đối với Công ty Trường Ngân, đây là việc cưỡng chế hơn 3.000 tấn cà phê hạt ở trong kho của Công ty Trường Ngân làm tài sản thế chấp cho ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).
 
Cụ thể, Công ty Trường Ngân đã dùng hàng chục tấn cà phê để vay nợ OCB và các ngân hàng khác (MB, Techcombank, Vietinbank, Agribank, Maritime Bank và VIB) số tiền lên đến 600 tỷ đồng, đến nay không còn khả năng trả nợ.

Căn cứ quyết định của TAND Quận 4 (TPHCM) công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân: Các bên thống nhất xác định số tiền mà Trường Ngân còn nợ OCB là hơn 4,4 triệu USD. Trước đó, để đảm bảo khoản vay theo Hợp đồng tín dụng, Công ty Trường Ngân cầm cố cho OCB tài sản là khối lượng 3.360 tấn cà phê xô, đủ điều kiện xuất khẩu.

Đến hẹn trả nợ nhưng Công ty Trường Ngân vẫn không thực hiện đúng như hợp đồng đã ký kết và Công ty này không còn khả năng trả nợ nên Ngân hàng OCB đã làm đơn yêu cầu thi hành án, phát mãi số tài sản nêu trên để thu hồi nợ. Và ngày 3/12, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã tổ chức cưỡng chế để thu hồi số tài sản nêu trên.

Số cà phê “xịn” chỉ vào khoảng 700 tấn
Hàng trăm tấn cà phê mà Công ty Trường Ngân đem thế chấp cho các ngân hàng chỉ là vỏ cà phê, rác và hơn 250 loại tạp chất

Khi kho cà phê của Công ty Trường Ngân được cưỡng chế hoàn thành, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều loại tạp chất đóng trong bao và chỉ có khoảng 700 tấn là cà phê “xịn”. Dù số cà phê “xịn” chỉ có bằng đó nhưng Công ty Trường Ngân vẫn đem thế chấp được nhiều ngân hàng để vay số tiền lên đến 600 tỷ đồng (tương đương khoảng 12.000 tấn cà phê).

Quanh cảnh buổi cưỡng chế kho cà phê của Công ty Trường Ngân
Quanh cảnh buổi cưỡng chế kho cà phê của Công ty Trường Ngân

Theo đánh giá của các chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng, khi các ngân hàng cho vay trên cùng một tài sản thế chấp, ngân hàng chịu rất nhiều rủi ro. Về phía luật pháp không cấm việc sử dụng một tài sản thế chấp cho nhiều vốn vay. Tuy nhiên, khi ngân hàng cho vay trên cùng tài sản thế chấp mà tài sản đó không được phân định một cách rõ ràng của ai, tài sản thế chấp ngân hàng nào thì ngân hàng luôn gặp rủi ro về tài sản thế chấp đó.

Hiện lực lượng chức năng và các bên liên quan vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc trên.

Trung Kiên
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước