Xử lại vụ 7 ngân hàng tranh nhau kho cà phê hơn 3.000 tấn
(Dân trí) - Bản án của tòa quận 4 (TP.HCM) đồng ý cho ngân hàng Phương Đông (OCB) phát mãi tài sản cầm cố của công ty Trường Ngân đã bị TAND TP.HCM huỷ bỏ vì chưa có sự đồng ý của 6 ngân hàng khác cùng cho công ty Trường Ngân vay vốn.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
TAND quận 4 hiện đã thụ lý lại vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa các ngân hàng với kho cà phê mà Công ty TNHH Trường Ngân (Công ty Trường Ngân; trụ sở: Đường Nguyễn Thị Chạy, khu phố Chiêu Liêu, phường Tân Đông Hiệp, thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã thế chấp cùng lúc cho 7 ngân hàng (gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Công Thương (Vietinbank), Phương Đông (OCB), Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), Hàng Hải (MaritimeBank), Quân Đội (MB), Quốc Tế (VIB) để vay số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Theo bản án của TAND quận 4 đã đưa ra trước đó, số cà phê trong kho công ty TNHH Trường Ngân (trụ sở tại Dĩ An, Bình Dương) cầm cố vay 94 tỷ đồng của Ngân hàng OCB có vị trí ở cửa số 2. Trong khi đó, hợp đồng tín dụng của một số ngân hàng khác với công ty Trường Ngân cũng xác định số cà phê cầm cố trùng với vị trí này.
Chính sự việc này đã dẫn đến việc tranh chấp gay gắt giữ 7 ngân hàng khi Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) siết nợ cà phê của Công ty Trường Ngân buộc lực lượng công an địa phương phải có mặt để giữ an ninh trật tự, bảo vệ kho hàng. Trước tình huống này, Chi cục Thi hành án thị xã Dĩ An đã phải kiểm kê tài sản, vận chuyển đến một nơi lưu trữ mới để chờ hướng xử lý lại nhằm đảm bảo quyền lợi cho các bên liên quan.
Đáng chú ý, khi kiểm kê số cà phê của Công ty Trường Ngân chỉ có 1.500 tấn hàng. Trong đó, 700 tấn là cà phê, số còn lại chỉ la vỏ và rác, tạp chất không có giá trị về kinh tế. Như vậy khối lượng này không trùng khớp với 3.360 tấn mà Công ty Trường Ngân đã cầm cố cho các ngân hàng trong hợp đồng tín dụng để vay số tiền hơn 600 tỷ đồng.
Dù số tài sản thực tế sai lệch khá nhiều với giá trị tài sản “trên giấy” mang đi cầm cố, vay ngân hàng nhưng Công ty Trường Ngân vẫn mang được số cà phê “ảo” này để thế chấp, vay nợ ngân hàng OCB và các ngân hàng khác với số tiền lên đến 600 tỷ đồng và đến nay Công ty Trường Ngân đã không còn khả năng trả nợ.
Căn cứ quyết định của TAND Quận 4 (TPHCM) công nhận sự thỏa thuận giữa OCB và Công ty Trường Ngân: Các bên thống nhất xác định số tiền mà Trường Ngân còn nợ OCB là hơn 4,4 triệu USD. Trước đó, để đảm bảo khoản vay theo Hợp đồng tín dụng, Công ty Trường Ngân cầm cố cho OCB tài sản là khối lượng 3.360 tấn cà phê xô, đủ điều kiện xuất khẩu.
Đến hẹn trả nợ nhưng Công ty Trường Ngân vẫn không thực hiện đúng như hợp đồng đã ký kết và Công ty này không còn khả năng trả nợ nên Ngân hàng OCB đã làm đơn yêu cầu thi hành án, phát mãi số tài sản nêu trên để thu hồi nợ. Ngày 3/12/2013, Chi cục thi hành án thị xã Dĩ An đã tổ chức cưỡng chế để thu hồi số tài sản nêu trên.
Sau khi xảy ra tranh chấp giữa các ngân hàng khi bản án của TAND quận 4 được ban hành, TAND TP.HCM đã xem xét toàn bộ vụ việc và nhận định: “Quyết định công nhận sự thỏa thuận của TAND quận 4, đồng ý cho ngân hàng OCB phát mãi toàn bộ tài sản cầm cố ở cửa số 2 của kho cà phê mà chưa có sự đồng ý của các ngân hàng khác là ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của những ngân hàng trong việc cầm cố, thế chấp với công ty Trường Ngân”
TAND TP.HCM cũng cho rằng, trong quá trình thụ lý giải quyết, TAND quận 4 không cho các ngân hàng còn lại tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Vì lẽ đó, phải giao hồ sơ cho TAND quận 4 xét xử sơ thẩm lại theo đúng pháp luật.