VPBank nhận giải thưởng quốc tế về quản trị rủi ro nhờ thành tựu chuyển đổi số

Tiến Thịnh

(Dân trí) - VPBank vừa trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam được Celent lựa chọn trao giải "Model Risk Manager" (Đơn vị quản trị rủi ro kiểu mẫu) nhờ triển khai thành công mô hình chuyển đổi số.

"Model Risk Manager" là giải thưởng thường niên của Celent - Công ty Nghiên cứu và Tư vấn cho ngành công nghiệp dịch vụ tài chính toàn cầu - nhằm vinh danh các sáng kiến công nghệ xuất sắc trong lĩnh vực tài chính toàn cầu. Để giành chiến thắng, các doanh nghiệp phải chứng minh được sáng kiến công nghệ của mình đã được thực hiện thành công, mang lại lợi ích kinh doanh rõ ràng, có sự đột phá về đổi mới sáng tạo và công nghệ.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp VPBank nhận được giải thưởng "Model Risk Manager" của Celent. VPBank đã giành được giải thưởng "Đơn vị quản trị rủi ro kiểu mẫu" năm 2023 nhờ áp dụng thành công hệ thống Kondor Treasury để số hóa toàn bộ quy trình giao dịch từ đơn giản đến phức tạp và tăng mạnh khả năng quản trị rủi ro tự động. Trước đó, năm 2022, VPBank cũng đã nhận được giải thưởng quốc tế này trong lĩnh vực quản trị rủi ro về phòng, chống rửa tiền.

VPBank nhận giải thưởng quốc tế về quản trị rủi ro nhờ thành tựu chuyển đổi số - 1
VPBank có lần thứ 2 liên tiếp đạt giải thưởng của Celent (Ảnh: VPBank).

Là ngân hàng hàng đầu về đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam, số hóa và hiện đại hóa hoạt động kinh doanh luôn là ưu tiên hàng đầu của VPBank, nhằm cung cấp các giải pháp tài chính tốt nhất giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro tài chính tiềm ẩn. Để đạt được mục tiêu này, từ nửa cuối năm 2019, VPBank đã triển khai hệ thống Kondor Treasury, cho phép tự động hóa toàn bộ quy trình giao dịch từ đơn vị kinh doanh đến quản trị rủi ro, kế toán và vận hành.

Nhờ ứng dụng hệ thống này, VPBank đã có thể triển khai thông suốt và nhanh chóng các giao dịch khối lượng lớn các sản phẩm quỹ, đồng thời có được sự linh hoạt tối ưu trong hỗ trợ các công cụ phái sinh, quyền chọn và giao dịch có cấu trúc phức tạp.

Ông Dmytro Kolechko - Giám đốc khối quản trị rủi ro VPBank - cho biết: "VPBank là ngân hàng đầu tiên của Việt Nam triển khai quy trình xác thực dữ liệu thị trường vào hệ thống Kondor nhằm đảm bảo tính chính xác của dữ liệu thị trường đầu vào. Nhờ đó, chúng tôi có thể theo dõi sát sao các biến động của thị trường, đưa ra các nhận định chính xác, nắm bắt rủi ro sớm, từ đó đưa ra các khuyến nghị phòng ngừa rủi ro hiệu quả".

Ứng dụng công nghệ cũng đã giúp VPBank triển khai thành công Hệ thống kinh doanh sản phẩm thị trường tài chính hoàn chỉnh, hiện đại trong đó bao gồm các sản phẩm phức tạp như ngoại hối và phái sinh lãi suất, đồng thời cải thiện được công tác quản trị rủi ro, phản ánh kịp thời và chính xác trạng thái rủi ro theo định giá thị trường của ngân hàng, tối ưu vận hành. Nhờ các giải pháp tài chính toàn diện đồng hành cùng khách hàng, tổng doanh số bán chứng khoán phái sinh bao gồm hoán đổi tiền tệ (CCS) và hoán đổi lãi suất (IRS) của VPBank đến cuối năm 2020 đạt 3 tỷ USD, tương đương mức tăng trưởng hơn 750% so với cùng kỳ.

Ông Ian Watson, Trưởng bộ phận quản trị rủi ro của Celent, chia sẻ: "Giải thưởng 'Model Risk Manager' là sự công nhận cách các tổ chức tài chính đang sử dụng công nghệ để thay đổi hoạt động quản trị rủi ro và tuân thủ. Đó là những điển hình truyền cảm hứng cho những doanh nghiệp khác trong thực tiễn quản trị rủi ro, mang lại tác động thực sự tích cực và có ý nghĩa đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và tiến trình đổi mới lĩnh vực quản trị rủi ro toàn ngành. Thành công trong quản trị rủi ro của VPBank đã chứng minh rõ ràng điều đó".

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bất ổn khi phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch và đương đầu với những biến động chính trị phức tạp, VPBank đã chủ động ứng phó và kịp thời thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và khép lại giai đoạn 2018 - 2022 với nhiều thành tựu, được ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ bằng các chứng nhận và giải thưởng danh giá.

Tính tới thời điểm cuối năm 2022, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ và hợp nhất của ngân hàng theo Basel II lần lượt đạt 12,67% và 14,90% cao hơn nhiều so với mức yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước là 8% và tiệm cận với các ngân hàng hàng đầu khu vực.