“Vòng kim cô nợ xấu giết chết doanh nghiệp”
(Dân trí) - Trong phiên thảo luận tình kình kinh tế - xã hội sáng nay, vấn đề nợ xấu đang làm nóng nghị trường khi nhiều đại biểu Quốc hội đề cập tới vấn đề này. Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Vòng kim cô nợ xấu đang giết chết doanh nghiệp.
Đề cập đến vấn đề nợ xấu, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng: Hiện nay vòng kim cô nợ xấu đang giết chết doanh nghiệp, biểu hiện rõ ràng nhất là việc thị trường quay lại tình trạng ngân hàng huy động vốn trên 9% và doanh nghiệp đi vay không còn mức lãi suất 15%, thậm chí doanh nghiệp không thể đi vay được. Đại biểu đề nghị Ngân hàng Nhà nước làm rõ vấn đề này. Ngoài ra, theo ông Lịch, Ngân hàng Nhà nước cũng cần công khai minh bạch các tiêu chí về tái cơ cấu ngân hàng, xử lý thanh khoản cho ngân hàng yếu kém để tránh mất niềm tin với hệ thống ngân hàng.
“Nếu không làm được điều này, dù công tâm đến đâu chúng ta cũng nghi ngờ và mất niềm tin, mà mất niềm tin với thị trường tín dụng là mất niềm tin với tất cả. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước quan tâm tới những điều này”, ông Lịch nói.
Ngoài ra, đại biểu Lịch cũng nhắn nhủ đến Thống đốc Ngân hàng Nhà nước việc ổn định thị trường vàng, không coi thường việc này trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Bởi theo đại biểu Lịch, dường như thời gian qua, cơ quan quản lý thiếu cân nhắc trong quản lý thị trường vàng.
Trước đó, trao đổi với báo giới bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lịch nhấn mạnh đến việc “không chuyển giao 202.000 tỷ đồng nợ xấu cho nền kinh tế”, mà cần phải được xử lý bằng cách yêu cầu các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro và xử lý nợ xấu bằng nguồn này. Hiện có những doanh nghiệp có triển vọng phát triển kinh doanh nhưng chỉ vì nợ xấu mà ngân hàng không cho vay tiếp thì họ sẽ chết. Doanh nghiệp chết thì ngân hàng cũng đâu có đòi được nợ, vì vậy nên khoanh nợ, cho vay mới, vực họ dậy dần dần.
Về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Thụ nêu ra có số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, trong 9 tháng đầu năm có 40.190 doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể. Theo đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện dư cung tín dụng hiện nay cần hạ thấp lãi suất, khởi thông nguồn tín dụng, đổi mới tiếp cận vốn để tăng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp.
Tình hiện nay cho thấy “cân đối ngân sách 2013 rất khó khăn, nhưng nếu số lượng doanh nghiệp giải thể không giảm thì đề nghị phải thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế. Đề nghị Chính phủ xem xét vấn đề này, trình Quốc hội trong kỳ họp tới”, ông Thụ cho hay.
Về xử lý hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu ngân hàng, theo đề xuất của đại biểu Thụ, để giải quyết căn cơ thì phải đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia, theo ông Thụ, thực chất chỉ chuyển nợ từ hệ thống ngân hàng ra ngoài hệ thống, căn cơ vẫn phải thực hiện tái cơ cấu.
Ông Thụ nhấn mạnh: “Trong điều kiện hiện nay, phải xem xét kích cầu với nền kinh tế. 9 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tăng 17,3% so cùng kỳ, nếu loại trừ tăng giá vẫn tăng 6,68%, cao hơn tăng trưởng kinh tế. Như vậy, vấn đề kích cầu tiêu dùng chưa đặt ra”.
Theo đại biểu, hàng chục tập đoàn, hàng trăm doanh nghiệp Nhà nước tham nhũng, đã gây lãng phí, thất thoát tiền của Nhà nước, dẫn tới hậu quả là: Hoặc đột quỵ, hoặc chết lâm sàng, mất khả năng đề kháng trước những cơn bão khủng hoảng, kéo theo hàng chục vạn lao động lao đao, khốn khó.
Đại biểu Tiến nêu ví dụ điển hình, Vinashin thất thoát khoảng 107.000 tỷ đồng, với trên 40.000 tỷ nợ nước ngoài, hơn 60.000 tỷ nợ trong nước. Trong khi xuất đầu tư xây dựng 1 phòng học của chương trình kiên cố hóa trường lớp học khoảng 500 triệu đồng, xuất đầu tư xây dựng 1 nhà văn hóa xã khoảng 1 tỷ đồng, trạm xá xã khoảng 2 tỷ đồng.
“Nếu Vinashin không thất thoát nợ đọng thì chúng ta có thêm 214.000 phòng học hoặc 107 nhà văn hóa, 53.000 trạm xá xã… Và chúng ta không phải băn khoăn trăn trở việc lùi thời hạn tăng lương do không bố trí được nguồn”, vị đại biểu này so sánh.
Nguyễn Hiền