Vốn Trung Quốc "qua mặt" Nhật Bản, Hàn Quốc đổ 1,58 tỷ USD vào Việt Nam

(Dân trí) - Vốn FDI vào Việt Nam 6 tháng đầu năm giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc, Nhật Bản về số vốn rót vào Việt Nam, trong khi các nhà đầu tư EU chưa có nhiều

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/6/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2020 đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Vốn Trung Quốc qua mặt Nhật Bản, Hàn Quốc đổ 1,58 tỷ USD vào Việt Nam - 1

Vốn Trung Quốc vẫn đổ vào Việt Nam 1,58 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, ảnh dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vốn vay của Trung Quốc

Cả nước có hơn 1.400 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, vốn đăng ký của các dự án trên là 8,4 tỷ USD.

Vốn ngoại vào Việt Nam 6 tháng qua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch covid-19, trong 2 tháng đầu năm có dự án lớn là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đạt 4 tỷ USD, còn lại rất ít dự án được cấp mới có số vốn cao.

Quy mô dự án bình quân năm 2020 đã tăng hơn so với cùng kỳ, từ 4,3 triệu USD năm 2019 lên gần 6 triệu USD trong năm 2020.

6 tháng qua, cả nước chứng kiến hơn 526 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ. Vốn điều chỉnh trong 6 tháng năm 2020 tăng do có Dự án tổ hợp hoá dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD.

Về vốn góp mua cổ phần, theo ghi nhận 6 tháng qua có hơn 4.125 lượt góp vốn, mua cổ phần của nước ngoài, tăng hơn 2,6% so năm trước, trị giá 3,5 tỷ USD, chiếm trên 22% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Dù vốn góp tăng song quy mô góp vốn mua cổ phần của các nhà đầu tư còn nhỏ, bình quân chỉ có 0,85 triệu USD/lượt góp vốn, nhỏ hơn nhiều so với quy mô bình quân trong 6 tháng năm 2019.

Hiện, trong số 98 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 5,44 tỷ USD, chiếm 34,7% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Thái Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,58 tỷ USD, chiếm 10,1% tổng vốn đầu tư, vốn đầu tư của Trung Quốc, Thái Lan trong 6 tháng qua đã vượt Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đầu tư vào Việt Nam.

Trong số đầu tư của các đối tác, đáng quan tâm nhất là Trung Quốc, các nhà đầu tư nước này thời gian qua chủ yếu đầu tư vào các dự án góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp Việt Nam, đầu tư các dự án mới rất ít ỏi, chủ yếu vào các ngành khai thác chế biến hoặc các ngành năng lượng, điện, gỗ, may mặc...

Đáng nói, 6 tháng qua, lượng vốn của các nhà đầu tư đến từ châu Âu rất thấp, chỉ chiếm dưới 10% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Vốn FDI của các nước châu Âu vẫn vào Việt Nam số lượng ít ỏi cho dù Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) khuyến khích thúc đầy đầu tư của EU vào Việt Nam.

Về địa bàn đầu tư, nhờ có đại dự án điện khí tự nhiên 4 tỷ USD của Singapore, Bạc Liêu trở thành tỉnh dẫn đầu cả nước, chiếm hơn 1/4 tổng vốn đăng ký mới, TP.HCM trở thành địa phương thứ hai với số vốn đạt trên 2 tỷ USD, Bà Rịa - Vũng Tàu đứng thứ ba với 1,95 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư; Hà Nội, Bình Dương và Hải Phòng là những địa phương tiếp theo đứng trong danh sách thu hút đầu tư FDI cao nhất 6 tháng qua.

An Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm