Vốn ngoại đang "ồ ạt" đổ vào ngành bán lẻ

(Dân trí) - Với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, thị trường đang chứng kiến một làn sóng vốn FDI tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ.

Dự báo, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250 - 300 siêu thị mới, tăng
Dự báo, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250 - 300 siêu thị mới, tăng 40% so với hiện tại và hơn 1.500 cửa hàng tiện lợi, gấp 3 lần hiện tại.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Bài viết mới đăng tải trên Financial Times cho rằng, mặc dù vẫn còn chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc và đang trên đà phục hồi với mức tăng trưởng đạt 6% trong quý đầu tiên của năm 2015. 

Với những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế, tầng lớp trung lưu được đánh giá là thành phần được hưởng lợi nhiều nhất. Số lượng doanh nghiệp tăng cao cùng với việc ngành sản xuất phục hồi, kiều hối tăng, lãi suất cho vay giảm… làm tăng thu nhập khả dụng của người dân. 

Kết quả tích cực là thị trường đang chứng kiến một làn sóng vốn FDI tiếp tục đổ vào ngành bán lẻ trong suốt thời gian vừa qua. Theo đánh giá của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, so sánh với mô hình chợ truyền thống, ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam đang chiếm quy mô khoảng 20-25% tiêu dùng của người Việt, thấp hơn so với 46% của Thái Lan, 53% của Malaysia hay 64% của Trung Quốc. Bù lại, Việt Nam là nước thuộc nhóm các quốc gia có tỷ lệ đô thị hoá nhanh nhất châu Á.

Financial Times nhắc tới thông tin hồi năm ngoái, Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Thái Lan là Berli Jucker (BJC) công bố tham vọng gia nhập thị trường Việt Nam với việc mua lại chuỗi 19 siêu thị của Metro tại Việt Nam. Trước đó, BJC cũng mua lại chuỗi cửa hàng tiện ích B’s Mart và dự định mở rộng chuỗi cửa hàng này lên tới hơn 300 điểm. 

Ngoài ra, một loạt các tên tuổi lớn khác cũng không tiếc tiền để mở rộng hoạt động kinh doanh như Big C, Aeon Mall, Family Mart, Ministop hay Lotte Mart… Với tham vọng mở 100 siêu thị và 1.000 cửa hàng tiện lợi trong 3-4 năm tới, Vingroup cũng là một cái tên được nhắc tới như là đối thủ nặng kí với các nhà bán lẻ nước ngoài muốn xâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Theo Financial Times, tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn. Dự báo, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ có thêm khoảng 250 - 300 siêu thị mới, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TPHCM, tăng 40% so với hiện tại. Số cửa hàng tiện lợi cũng được dự báo sẽ nhanh chóng tăng lên 1.500 cửa hàng, gấp 3 lần hiện tại.

“Thái Lan, dân số chỉ bằng 3/4 dân số Việt Nam nhưng có tới hơn 10.000 cửa hàng tiện lợi, cho thấy, thị trường Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, việc các hãng ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam để nắm bắt lợi thế người dẫn đầu có thể dẫn tới dư thừa nguồn cung, đặc biệt trong điều kiện nền kinh tế vẫn chưa hồi phục vững chắc”, Financial Times nhận định.

 Phương Dung
Theo FT


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm