Vốn đầu tư từ Hồng Kông đang ồ ạt "đổ" sang Việt Nam?
(Dân trí) - Theo dữ liệu của Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết tháng 8/2019, lượng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Hồng Kông đã vào Việt Nam đạt 5,6 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam và bỏ xa nhiều đối tác hàng đầu khác là Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore.
Theo đó, lượng vốn nhà đầu tư Hồng Kông chủ yếu tập trung vào việc mua bán, góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Việt với gần 4,1 tỷ USD, ttrong 106 lượt dự án.
Trong khi đó, vốn cấp mới, đầu tư trực tiếp thời gian qua chỉ đạt 1,1 tỷ USD cho 178 dự án, số vốn điều chỉnh tăng thêm là 440 triệu USD cho 68 lượt dự án.
Tổng vốn của các nhà đầu tư Hồng Kông hơn 2,2 tỷ USD so với các nhà đầu tư Hàn Quốc, 2,4 tỷ USD so với các nhà đầu tư Singapore và hơn khoảng 3,3 tỷ USD so với vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản đổ vào Việt Nam.
Nếu cộng cả vốn của các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục là 2,7 tỷ USD trong 8 tháng qua, lượng vốn ngoại có gốc gác Trung Quốc đang lớn nhất tại Việt nam với 8,3 tỷ USD.
Về lũy kế con số dự án và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực tại Việt Nam tính đến hết tháng 8/2019, theo Cục Đầu tư nước ngoài, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư số 1 với gần 65 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ 2 với 58 tỷ USD, Singapore đứng thứ 3 với gần 50 tỷ USD, còn lại Đài Loan đứng thứ 4 với gần 32 tỷ USD, Hồng Kông đứng thứ 5 với 21,6 tỷ USD, Trung Quốc đại lục đứng thứ 7 với 15,6 tỷ USD.
Nếu vốn Trung Quốc đại lục và Hồng Kông cộng lại là khoảng 37,2 tỷ USD, đứng thứ 4 trong nhóm nhà đầu tư lớn vào Việt Nam.
Trong số 7 dự án lớn đầu tư vào Việt Nam 8 tháng qua, Hồng Kông Trung Quốc chiếm nhiều nhất với 5 dự án với số vốn thấp nhất là 200 triệu USD, cao nhất là 3,85 tỷ USD.
Cụ thể, có 3 dự án của các nhà đầu tư Hồng Kông như dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội; Dự án Nhà máy chế tạo thiết bị điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện, tổng vốn đầu tư đăng ký 260 triệu USD do Goertek (Hongkong) co., Limited đầu tư tại Bắc Ninh; và dự án Công ty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hồng Kông)với mục tiêu thiết kế, lắp ráp và sản xuất linh kiện điện tử tại Hà Nội điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 200 triệu USD.
Các nhà đầu tư Trung Quốc có hai đại dự án như dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR và Dự án Công ty TNHH lốp Advance Việt Nam, tổng vốn đầu tư đăng ký 214,4 triệu USD do Guizhou Advance Type Investment co.,ltd (Trung Quốc) đầu tư với mục tiêu sản xuất, tiêu thụ lốp, cao su và các sản phẩm liên quan tại Tiền Giang.
Vốn đầu tư từ Hồng Kông và Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc xung đột thương mại gay gắt. Mỹ thực hiện các cuộc trừng phạt thuế đánh vào hàng trăm tỷ USD hàng xuất của nước này vào Mỹ cùng cấm vận hàng loạt công ty công nghệ của nước này. Trong khi đó, tình hình chính trị tại Hồng Kông (đặc khu của Trung Quốc) gần đây khá rối ren khi liên tiếp xảy ra biểu tình, bạo loạn....
Tất cả những biến động trên đã, đang khiến giới phân tích cho rằng, vốn từ Trung Quốc sẽ tháo chạy sang nước thứ 3, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, có nhiều cảnh báo được đưa ra trong đó có việc hàng hóa, nhà đầu tư Trung Quốc bỏ vốn đầu tư nhỏ, mua cổ phần doanh nghiệp Việt để "núp bóng" Việt Nam xuất đi nước khác dễ dàng hơn. Điều này gây nhiều quan ngại cho Việt Nam và nhiều cơ quan chuyên môn đã vào cuộc, điều tra.
An Linh