Với doanh nghiệp, con đường ngắn nhất để mở rộng thị trường là "M&A"
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, M&A là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí.
10 thương vụ M&A tiêu biểu năm 2019-2020
Trong khuôn khổ Diễn đàn M&A (mua bán, sáp nhập doanh nghiệp-PV) Việt Nam năm 2020 với chủ đề "Trỗi dậy trong trạng thái bình thường mới", Ban tổ chức và Hội đồng bình chọn Thương vụ M&A tiêu biểu công bố danh sách 10 thương vụ M&A tiêu biểu của năm 2019 – 2020.
Cụ thể, thương vụ Masan mua lại VinCommerce (VinMart, VinMart+) từ Vingroup. Đây được xem là thương vụ gây chú ý nhất vào cuối năm 2019. Vingroup bán đứa con của mình với chiến lược tái cơ cấu hoạt động của tập đoàn. Giá trị thương vụ được ước tính khoảng 5.400 tỉ đồng.
Một thương vụ khác cũng liên quan đến Vingroup, đó là việc KKR & Temasek mua cổ phần Vinhomes. Theo thông tin từ Tập đoàn Vingroup, một nhóm nhà đầu tư do KKR đứng đầu, trong đó có Temasek (Nhóm nhà đầu tư KKR) đầu tư tổng cộng 15.100 tỉ đồng (tương đương 650 triệu USD), đổi lấy khoảng 6% cổ phần Vinhomes.
Thương vụ bán vốn của BIDV cho cổ đông chiến lược ngoại là KEB Hana Bank (Hàn Quốc) là điểm nhấn lớn nhất của thị trường M&A Việt Nam trong năm 2019. Sau thời gian đàm phán kéo dài, thương vụ cũng đã hoàn tất khi BIDV phát hành hơn 603 triệu cổ phần, tương ứng tỉ lệ 15% vốn điều lệ cho KEB Hana.
Với giá 33.640 đồng/cp, tổng giá trị giao dịch thu về là 20.295 tỉ đồng, theo ước tính thời điểm đó khoảng 878 triệu USD.
Sau đợt bán vốn này, BIDV trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất tại Việt Nam và bước đầu giải được cơn khát vốn trước ngưỡng cửa Basel II.
Những thương vụ nổi bật khác gồm có: Stark Corp mua Thipha Cables & Dovina có giá trị lên đến 240 triệu USD; Sumitomo Life đầu tư Bảo Việt, thương vụ này đã tốn của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản số tiền 173 triệu USD để sở hữu 22,09% cổ phần của Bảo Việt.
Danh Khôi Holdings chuyển nhượng một phần dự án ở TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho CTCP Bất động sản (BĐS) Netland, giá trị của thương vụ này vẫn chưa được công bố; Ngân hàng Aozora mua cổ phần OCB, giá trị của thương vụ được ước tính hơn 3.200 tỉ đồng.
Thương vụ FWD mua lại VCLI của Vietcombank; Pharmacity phát hành cổ phần cho nhà đầu tư và được quĩ đầu tư Mekong Enterprise Fund III (MEF III) thuộc Mekong Capital rót vốn đầu tư.
Thương vụ Vinamilk & GTN Foods M&A Mộc Châu Milk. Thương vụ này bắt đầu từ tháng 3/2019 khi Vinamilk bất ngờ chào mua công khai hơn 116,7 triệu cp GTN tương đương 46,68% vốn của GTNFoods, với số tiền ước tính phải chi lên đến 1.517 tỉ đồng...
Giá trị thị trường M&A ngày càng tăng
Tại Diễn đàn M&A năm 2020, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Chính phủ Việt Nam cũng luôn nỗ lực chuẩn bị sẵn sàng các yếu tố cơ bản nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhà đầu tư như cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, tạo hành lang thông thoáng cho đầu tư.
Trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với nhiều cải cách trong thủ tục gia nhập thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong đầu tư, kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang khẩn trương hoàn thiện Chiến lược thu hút FDI trong thời kỳ mới, với mục tiêu là ưu tiên thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch, quản trị hiện đại,…
Ngoài ra, Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài cũng đã được thành lập để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn đến đầu tư, nắm bắt kịp thời cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
Ngày 15/11/2020, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa được ký kết đã mở ra thị trường mới với gần 30% dân số thế giới và chiếm khoảng 29,1% GDP toàn cầu.
Những tính toán cho thấy RCEP có giá trị như một khoản đầu tư 7.200 tỷ USD với tỷ suất lợi nhuận 4% mỗi năm; giúp thương mại toàn cầu tăng thêm khoảng 1,9%.
RCEP cùng với các Hiệp định thương mại tự do khác như EVFTA hay CPTPP sẽ chắc chắn sẽ tạo thêm động lực cho tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực cũng như toàn cầu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các hoạt động thương mại, đầu tư bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.
“Những yếu tố quan trọng nói trên đang mở ra cơ hội mới cho hoạt động M&A tại Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ có nhiều khởi sắc trong năm 2021 và những năm tiếp theo”, ông Phương nói.
Theo ông Phương, trong những năm qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa hoạt động thu hút các nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu doanh nghiệp...
M&A cũng là con đường ngắn nhất để các công ty nước ngoài có thể thâm nhập, mở rộng thị trường Việt Nam với hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí. Thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng ngàn giao dịch, đạt tổng giá trị gần 50 tỷ USD trong hơn một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động đầu tư và thương mại quốc tế, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam năm 2020 có sự suy giảm, ước đạt 3,5 tỷ USD, bằng 48,6% so với năm 2019.
Mặc dù vậy, theo dự báo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, Việt Nam là một trong những thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp năng động và tiềm năng nhất toàn cầu, với chỉ số đầu tư M&A dự báo năm 2020 là 102 điểm, đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Mỹ với 108,9 điểm.