Vn-Index sẽ đạt mức 600 điểm vào cuối năm?
(Dân trí) - Các tổ chức tài chính, các công ty chứng khoán nhận định: Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có đợt điều chỉnh để giá cổ phiếu về mức phù hợp với kết quả kinh doanh quý II. Một số dự báo cho rằng, Vn-Index sẽ đạt mức 600 điểm vào cuối năm.
Thị trường sẽ ở mức 550 - 600 điểm?
Đây là dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) về chỉ số Vn-Index vào cuối năm nay, dựa trên EPS 2008 của 20 công ty có mức vốn hóa lớn nhất trên HoSE và cùng với việc xác định chỉ số P/E cho giai đoạn từ nay đến cuối năm của thị trường.
Với cách tiếp cận EPS của 20 công ty, BVSC cho rằng các công ty này đã chiếm tới 75% giá trị vốn hóa trên sàn HoSE. Do đó, các thay đổi về EPS của các công ty mà BVSC đưa vào diện làm “tiêu chuẩn” sẽ có ảnh hưởng lớn tới kỳ vọng của nhà đầu tư và chỉ số Vn-Index.
“Nhìn lại diễn biến của các thị trường trong thời kỳ khủng khoảng tài chính năm 1997 ở các nước như Thái lan, Hàn Quốc, chúng tôi nhận thấy chỉ số P/E thấp nhất dao động khoảng 6 - 8, nhưng sau 6 tháng của thời điểm đáy của thị trường, nhà đầu tư đã chấp nhận mức P/E cao hơn nhiều so với mức đáy”, nhóm phân tích thị trường của BVSC nói.
BVSC cho rằng, trong 6 tháng qua có 3 nhân tố chính ảnh hưởng đến diễn biến của Vn-Index, gồm: Tình hình kinh tế vĩ mô, các chính sách quản lý điều hành thị trường và triển vọng vinh doanh của các doanh nghiệp; việc tăng cung đột biến do giải chấp; yếu tố tâm lý của nhà đầu tư.
“Khi các nhân tố về môi trường kinh doanh, hoạt động giải chấp không còn tiêu cực như những tháng vừa qua, tâm lý nhà đầu tư dần đi vào ổn định, thị trường sẽ dần xác định xu thế mới”, BVSC nhấn mạnh.
Đồng tình với BVSC, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán Công Thương cho rằng, mức dự báo về khả năng 600 điểm của Vn - Index đạt được vào cuối năm là có lý.
“Thị trường thời gian tới sẽ có yếu tố của nước ngoài tạo lượng cầu nhất định, với trên 2 tỷ USD của một số quỹ đang chờ để giải ngân trong những đợt IPO của các doanh nghiệp lớn như: Mobifone, Vinaphone và của chính Vietinbank. Trong những tháng tới, thị trường không tăng quá nóng, cũng không giảm quá mạnh và nó sẽ thật sự đi vào ổn định vào quý II/2009”, vị chuyên gia này dự báo.
Thận trọng hơn, các nhà phân tích của Công ty Chứng khoán Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam (SMES) không đưa ra những dự đoán về con số khi chưa có đầy đủ kết quả kinh doanh quý II của toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên sàn.
“Thời điểm này chúng tôi chưa đưa ra dự đoán, đơn giản là vì chúng tôi muốn có được cái nhìn tổng hợp về tình hình kinh doanh của các công ty niêm yết. Hiện mới có khoảng 1/2 số công ty công bố báo cáo tài chính quý II, một con số chưa nhiều cho dù đã hết thời hạn nộp báo cáo.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng thị trường đang được "định hướng" bởi các tổ chức lớn nước ngoài, ở đây là các quỹ đầu từ và các công ty chứng khoán ngoại (sự kiện Daiwa Securities mua hơn 11 triệu cổ phiếu SSI đã góp phần rất lớn hồi phục thị trường, chắc nhiều người cũng nhận ra điều đó).
Họ mua vào hay bán ra, không đơn thuần chỉ dựa vào phân tích kỹ thuật. Chúng tôi chắc chắn rằng, chỉ số tài chính và những dự báo cho nền kinh tế nước ta mới giúp họ quyết định đầu tư hay không, đầu tư vào cổ phiếu nào...
Vn-Index lên hay xuống có phần tác động gián tiếp, nhưng phần lớn từ những quyết định như thế”, ông Hoàng Thạch Lân - Trưởng bộ phận Phân tích Đầu tư SMES chi nhánh TPHCM cho hay.
Quá sớm để giảm lãi suất cơ bản?
Việc Nhà nước quyết định tăng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào ngày 21/7 vừa qua, theo đánh giá của các tổ chức nước ngoài và một số đơn vị trong nước là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế.
Ngân hàng Standard Chartered cho rằng: “Đưa giá xăng dầu trong nước sát hơn với mức giá của thế giới là một bước đi đúng đắn và điều này cũng đồng nghĩa với khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường chính sách thắt chặt”.
Còn theo BVSC, điều chỉnh giá xăng dầu tăng, xét về dài hạn là một tín hiệu tích cực cho nền kinh tế khi nhà nước gần như loại bỏ nhiệm vụ phải trợ giá xăng, giảm áp lực đáng kể lên ngân sách. Đối với chống lạm phát, đây là tín hiệu tích cực vì một trong những nguyên nhân gây lạm phát hiện nay ở Việt Nam là do thâm hụt ngân sách lớn.
Tuy nhiên, việc tăng giá xăng dầu cũng đã “khuấy lên lo ngại về lạm phát và làm đảo chiều tâm lý trên thị trường. Việc bán tháo trên thị trường trái phiếu và sự mất giá của tiền đồng sau công bố tăng giá xăng dầu là dấu hiệu cho thấy tâm lý rất dễ thay đổi của thị trường”.
Trước đó, khi chỉ số lạm phát và thương mại của tháng 6 được công bố với dấu hiệu cải thiện vững chắc, niềm tin trên thị trường đã trên đà hồi phục. Việc bán ra USD và mua trái phiếu tiền đồng cũng dần tăng trở lại. Chỉ số trên thị trường chứng khoán TPHCM cũng tăng lên 1/3 kể từ trung tuần tháng sáu đến trung tuần tháng 7.
Theo Standard Chartered Bank, “cuộc chiến kiềm chế sự phát triển quá nóng của nền kinh tế vẫn chưa tới hồi kết, đề cập tới việc giảm lãi suất cơ bản trong lúc này không chỉ quá sớm mà còn tạo thêm áp lực đối với tâm lý trên thị trường, vì các nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng Ngân hàng Nhà Nước tiếp tục áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát.
Chắc chắn các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục theo dõi sát sao các động thái của Ngân hàng Nhà nước. Việc có thể nâng giới hạn tăng trưởng tín dụng từ 30 lên 40%, đặc biệt nhằm hỗ trợ các nhà xuất khẩu, sẽ ít tác dụng hơn, vì mục tiêu ban đầu đã không thực hiện được khi tỉ lệ cho vay đã tăng 20% trong vòng 6 tháng đầu năm”.
An Hạ