1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm: Ai là "công thần"?

Mai Chi

(Dân trí) - VN30-Index bật tăng hơn 23 điểm và với sự dẫn dắt của các bluechip, VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường đang dựa vào dòng tiền nội khi mà khối ngoại vẫn bán ròng.

Lình xình trong cả phiên buổi sáng, đến chiều nay (12/6), thị trường bất ngờ "thức giấc", bừng tỉnh. Áp lực bán giảm, dòng tiền đổ vào thị trường mạnh dạn hơn giúp VN-Index bứt tốc, tăng 15,78 điểm tương ứng 1,23%, đóng cửa tại 1.300,19 điểm. Như vậy, sau 2 năm rời 1.300 điểm (hồi tháng 5/2022) thì chỉ số đã chính thức lấy lại được mốc quan trọng này.

Cổ phiếu bluechips đóng vai trò tích cực trong việc dẫn dắt thị trường đi về phía trước. Với 27 mã tăng, VN30-Index bật 23,51 điểm tương ứng 1,8% lên 1.331,81 điểm. HNX-Index tăng 1,9 điểm tương ứng 0,77% và UPCoM-Index tăng 0,18 điểm tương ứng 0,19%.

VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm: Ai là công thần? - 1

Lịch sử diễn biến của VN-Index (Nguồn: Investing).

Thanh khoản toàn phiên đạt 895,25 triệu cổ phiếu tương ứng 23.268,62 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trên sàn Hà Nội, khối lượng giao dịch đạt 76,68 triệu cổ phiếu tương ứng 1.565,89 tỷ đồng; con số này trên UPCoM là 73,49 triệu cổ phiếu tương ứng 1.324,94 tỷ đồng.

Bức tranh thị trường khởi sắc với tổng số 598 mã tăng giá trên cả 3 sàn, với 35 mã tăng trần, so với 326 mã giảm, 10 mã giảm sàn. Riêng sàn HoSE có 313 mã tăng, vượt xa con số 124 mã giảm giá.

Công thần ở phiên này là nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Theo đó, chỉ riêng VCB đã đóng góp 2,63 điểm trong mức tăng chung của VN-Index; VPB đóng góp 1,54 điểm; MSN, BID và VHM mỗi mã đóng góp hơn 0,7 điểm.

Trong rổ VN30, VPB có mức tăng mạnh nhất, tăng 6% lên 19.400 đồng. Thanh khoản tại mã này cũng tăng đột biến lên xấp xỉ 70 triệu đơn vị khớp lệnh. FPT tăng 4,3%; MSN tăng 2,6%; MBB tăng 2,4%; SSI tăng 2,2%. Mức tăng của VCB là 1,7%. Toàn bộ cổ phiếu ngân hàng trên sàn HoSE đều tăng giá.

VN-Index lấy lại mốc 1.300 điểm sau 2 năm: Ai là công thần? - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index trong phiên 12/6 (Nguồn: VNDS).

Cổ phiếu ngành ngân hàng là nhóm hoạt động tích cực nhất ở phiên này, không mã nào thuộc ngành này giảm giá trên sàn HoSE. Trong khi đó, nhóm dịch vụ tài chính chuyển biến tích cực nhưng lại chưa cho thấy sự bứt tốc: VIX tăng mạnh nhất 3,8%; khớp lệnh 50,5 triệu đơn vị; APG tăng 2,5%; SSI tăng 2,2%, khớp lệnh 27,3 triệu cổ phiếu; HCM tăng 1,7%; TCI tăng 1,7%; VND tăng 1,7%.

Đa số cổ phiếu bất động sản sau khi điều chỉnh trong phiên đã đạt được trạng thái tăng ở thời điểm đóng cửa. TLD tăng 5,2%; SGR tăng 3,2%; IJC tăng 2,9%; QCG tăng 2,5%; BCM và LDG tăng 2,1%; KDH tăng 2%. Các mã lớn như VHM cũng tăng 0,9%; NVL tăng 1,1%; VRE tăng 0,7%; VIC tăng nhẹ 0,2%.

Mặc dù thị trường khởi sắc và VN-Index đạt được mốc quan trọng, song số lượng mã tăng trần vẫn tập trung trên sàn UPCoM, chỉ có 6 mã thuộc sàn HoSE tăng kịch biên độ, đều là những mã vốn hóa nhỏ.

Cổ phiếu ngành thực phẩm và đồ uống nhận được sự chú ý. HNG tăng 4,2%; LSS tăng 3,1%; MSN tăng 2,6%; BHN, SBT, IDI, PAN; ANV, VHC, VNM, KDC tăng giá. SSC tăng trần nhưng thanh khoản thấp.

Nhóm hàng và dịch vụ công nghiệp vẫn tương đối tích cực khi PAC tăng trần, APH tăng 3,3%; VTP tăng 2,4%; GEX, PJC tăng giá. Tuy nhiên, hoạt động chốt lời khiến TCO mất 3,8% sau khi giảm sàn trong phiên; GSP giảm 3,6%; VTO giảm 2,8%; VOS, TV2, VSC điều chỉnh.

Đáng chú ý là sự hồi phục của thị trường vẫn đang dựa vào dòng tiền nội khi mà khối ngoại tiếp tục bán ròng 539 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Riêng sàn HoSE, khối ngoại bán ròng 592 tỷ đồng, tập trung tại FPT (494 tỷ đồng); VHM (185 tỷ đồng); VRE (102 tỷ đồng); VNM (90 tỷ đồng) và VPB (62 tỷ đồng). Chiều ngược lại, khối này mua ròng 139 tỷ đồng cổ phiếu MBB và 89 tỷ đồng cổ phiếu MSN; 61 tỷ đồng cổ phiếu SSI.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm