VITV- đối thoại: Doanh nghiệp tư nhân muốn Chính phủ "bứt phá" về con người

(Dân trí) - "Năm 2019, Chính phủ nhắc đến bứt phá về thể chế, nhưng chúng tôi nhấn mạnh là cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả".

Đây là ý kiến của ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái tại Đối thoại Doanh nghiệp tư nhân cùng Chính phủ "bứt phá" mới được tổ chức gần đây tại Hà Nội.

VITV- đối thoại: Doanh nghiệp tư nhân muốn Chính phủ bứt phá về con người - 1

Doanh nghiệp tư nhân kiến nghị Chính phủ mạnh mẽ trong cơ chế sàng lọc con người thực thi

Theo ông Đoàn, Chính phủ trong nhiều năm qua đã đưa ra cho DN nhiều điều kiện cần và đủ cho cải cách và phát triển. Điều kiện cần là cải cách thể chế, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, điều kiện đủ là những cải cách đó đi đến đâu và hiện thực hóa ra sao?

"Vừa rồi Chính phủ nhắc đến bứt phá về thể chế, nhưng chúng tôi nhấn mạnh là cần bứt phá về con người, bộ máy quản lý còn cồng kềnh, chi phí tăng lên, quản lý không đồng bộ, thiếu hiệu quả", ông Đoàn nói.

Theo ông Đoàn, kinh tế Việt Nam đã thay đổi, hiện nhiều doanh nghiệp lớn tư nhân có điều kiện phát triển hơn doanh nghiệp Nhà nước. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng doanh nghiệp đóng của nhanh hơn, chúng ta thấy rằng còn khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa không trụ lại được, không được hỗ trợ, đó là sự mất mát lớn. Chúng ta phải làm sao để hỗ trợ họ phát triển lên doanh nghiệp trung và lớn hơn.

"Bức tranh kinh tế 2019 rất tốt, nhưng vấn đề là bức tranh kinh tế mới sẽ ra sao trong tầm nhìn 5 - 10 năm tới khi thế giới toàn cầu hóa, thay đổi từng ngày. Chúng ta cần phải xem lại", ông Đoàn cho hay.

Theo ông Đoàn, nếu chúng ta không tìm ra nguồn lực mới, đi tắt đón đầu, đi vào công nghệ mới, kinh tế sẻ chia để có cách làm kinh tế mới... chắc chắn đây là khó khăn. Chúng ta phải biết, Amazon, Alibaba đã vào rồi và sự cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Hiện nguồn lực của DN Nhà nước đang quản lý rất nhiều, chúng ta phải làm cho họ biết cạnh tranh hơn.

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm UB kinh tế của Quốc hội, những chính sách vĩ mô về cơ bản năm 2017 - 2018 Việt Nam đã sửa xong nhiều văn bản luật để xử lý các vấn đề như nợ xấu.

Về góc độ doanh nghiệp, ông Kiên cho rằng từ 2017 Việt Nam thực hiện Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân, rồi cải cách thể chế và các nguồn lực phát triển cũng đã có sự thay đổi tương đối bài bản.

"Nói về kinh tế tài chính, chính sách tiền tệ nhiều năm nay 3 năm trở lại đây luôn là điều thành công. Chính sách tài khóa thực hiện tốt hơn, chi tương đối được kiểm soát tương đối ngặt nghèo để phát triển. Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập cao, nằm trong biến động lớn của thế giới như chiến tranh thương mại, bảo hộ, rủi ro tiền tệ... Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,6% cũng là một thách thức chứ không dễ dàng", ông Kiên nói.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hiện doanh nghiệp tư nhân đã nắm đất đai, làm bất động sản rất lớn và hoàn toàn thuộc về họ. Địa tô trong 10 năm trở lại đây chủ yếu là nằm trong tay doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, phải nhìn nhận thẳng là Nhà nước đã có cái nhìn hoàn toàn khác về khu vực này và giao nhiều cơ hội cho họ hơn trước.

Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, nền kinh tế muốn bứt phá phải nâng cao chất lượng quản lý nhà nước, phát triển tư nhân, hạn chế mặt trái của vốn nước nước. Nếu chúng ta đi đều đều thì khó có thể bắt kịp được.

Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cho rằng, hiện doanh nghiệp tư nhân chiếm 99% trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất nóng. Họ làm ngày, làm đêm vì kế sinh nhai và vì đồng tiền của mình. Không có lý do gì mà không nóng cả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, hiện nay "trên nóng", "dưới nóng" nhưng ở "giữa lạnh".

"Khu vực kết nối kinh tế, thực thi chính sách của Chính phủ là các địa phương, sở ban ngành còn chậm chễ thay đổi, chưa thống nhất và yếu kém năng lực, đã và đang cản trở nỗ lực của Chính phủ, của cộng đồng doanh nghiệp", ông Huân nhấn mạnh.

An Linh