1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Vinalines hối hả với “mục tiêu”... bán tàu!

(Dân trí) - “Không có chuyện bán tống bán tháo tàu Vinashinlines. Tàu nào già quá không khai thác được phải bán sắt vụn thì bán sắt vụn, tàu mới thì bán theo giá mới, chúng tôi bán tàu “sống” chứ không phải là tàu đồng nát. Mục tiêu là đến 30/6 sẽ bán hết tàu”.

Ông Nguyễn Đình Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) trao đổi với PV Dân trí thông tin trên khi bàn đến thực trạng của 7 con tàu “tai tiếng” của Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang bị lưu giữ, bắt giữ ở nước ngoài.

Cũng theo ông Thanh, tàu New Phoenix - 1 trong 7 con tàu “tai tiếng” của Vinashinlines đã được bán hôm 28/3 sau một thời gian dài bị lưu giữ ở Trung Quốc. Tàu được bán với giá hơn 3,7 triệu USD, mức giá này được xem là tốt trong bối cảnh thị trường tàu biển thế giới sụt giảm trong 6 tháng đầu năm 2013. Hai ngày sau khi giao tàu cho chủ mới, 15 thuyền viên trên tàu New Phoenix đã được thanh toán đầy đủ tiền lương bị nợ đọng và hồi hương.

Về tình hình hiện tại của 6 con tàu cùng các thủy thủ của Vinalines đang bị lưu giữ và tạm giữ ở nước ngoài , ông Thanh cho biết: “Đến nay, có 5 trong số 6 tàu của Vinashinlines đã được giải phóng, hộ chiếu đã được trả về cho các thuyền viên, chỉ có tàu Cái Lân 4 vẫn đang tranh chấp với khách hàng và chưa giải quyết xong. Những tàu này vẫn đang nằm trong trạng thái an toàn ở các cảng biển tại các nước: Pakistan, Trung Quốc, UAE, Ấn Độ. Tiền ăn, nước ngọt và dầu chạy tàu của toàn bộ 6 con tàu này vẫn được đảm bảo đầy đủ”.
 
Tàu Cái Lân 4 vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp nợ
Tàu Cái Lân 4 vẫn chưa giải quyết xong tranh chấp nợ
 
Số lượng thuyền viên duy trì trên các tàu hiện đang được giữ lại theo định viên an toàn tối thiểu. Cụ thể: tàu Diamond Way có 8 thuyền viên, tàu New Horizon 20 thuyền viên, tàu Cái Lân 4 là 22 thuyền viên, tàu Sea Eagle có 9 thuyền viên và tàu Hoa Sen có 9 thuyền viên. Riêng tàu Hoàng Sơn 28 thì đang được cho thuê tàu trần nên toàn bộ thuyền viên thuộc sự quản lý của người thuê.
 
Thủy thủ trên những con tàu tiền tỷ của Vinalines bị “mắc cạn” lâu ngày ở nước ngoài liên tục kêu cứu về Việt Nam, nhưng hướng giải quyết dứt điểm Vinalines cho biết phải chờ vào việc bán tàu.

“Các tàu hiện đang được chào bán, mục tiêu đến 30/6 sẽ bán xong 6 con tàu nói trên. Sau khi bán xong thì sẽ giải quyết tiền lương và đưa thuyền viên về nước. Việc hồi hương của các thuyền viên phụ thuộc vào điều kiện tại những nơi tàu neo đậu nên không còn cách nào khác là phải thuyết phục thuyền viên tạm thời ở lại tàu một thời gian.

Dù bán hay không bán được tàu thì đời sống của thuyền viên vẫn được duy trì và đảm bảo, vấn đề về nước của những thuyền viên hết thời gian đi tàu chúng tôi sẽ giải quyết bằng việc đưa các thuyền viên mới sang thay thế theo quy định.” - ông Thanh dẫn giải.

Trên thực tế, Bộ Giao thông Vận tải và Vinalines nhiều lần khẳng định rằng đã có nguồn đảm bảo để gửi đầy đủ tiền sinh hoạt phí và duy trì tàu, nhưng các thủy thủ vẫn tiếp tục kêu cứu vì phải sống trong tình cảnh vô cùng khắc nghiệt và thiếu thốn mọi bề. Theo ông Thanh, lí do duy nhất ở đây là vì tiền chậm đến tay các thuyền viên, chứ không phải công ty không chuyển tiền. Thậm chí khi có gì phát sinh công ty lại chuyển tiếp tiền cho các thủy thủ, thông thường cứ cuối tháng là quyết toán, sang đầu tháng sẽ gửi tiền và việc này được thực hiện theo hình thức gối đầu.

Còn 1,5 tháng để bán 5 con tàu "tai tiếng" ở xứ người

Nói về nguồn tiền 200 tỷ đồng vay nóng của Chính phủ đã được giải ngân với mục đích giải quyết những vấn đề cấp bách của những con tàu Vinalines đang nằm “chờ chết”, ông Thanh khẳng định số tiền này đã được sử dụng để giải phóng các tàu và bán tàu; cung cấp tiền ăn, nước ngọt, tiền dầu và chi phí, đảm bảo an toàn cho tàu và duy trì đời sống cho thuyền viên của các tàu.
 
Vinalines đang tìm cách bán tàu nhanh nhất với giá tốt nhất
Vinalines đang tìm cách bán tàu nhanh nhất với giá tốt nhất

Cần phải nói thêm rằng, do không thu xếp được tài chính để giải quyết nợ nên tàu Vinashinlines bị giữ ở nước ngoài, điều đó có nghĩa là việc bán tàu lúc này không phải muốn là được, mà phải có sự đồng ý của ngân hàng, đối tác và chủ nợ. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Chính phủ hết tháng 6/2013 sẽ phải bán hết tàu, tức là chỉ còn 1,5 tháng nữa để bán hết 5 con tàu nói trên.

Dư luận xã hội đặt ra câu hỏi đặt rằng phải chăng Vinalines sẽ phải gấp gáp bán tống bán tháo tàu, và tàu khi mua giá trị tàu lên đến hàng nghìn tỷ đồng còn bán trong hoàn cảnh này thì chắn chắn sẽ phải chấp nhận lỗ nặng theo giá “đồng nát” và sắt vụn.

“Tiền nợ của nước ngoài và tiền giải phóng tàu đã được thu xếp đủ, các tổ chức tín dụng cũng đã có văn bản chấp thuận cho bán tàu. Nếu thị trường tốt thì tàu sẽ được bán nhanh và không lo thời gian còn lại bao lâu. Tôi cũng khẳng định rằng không có chuyện bán tống ban tháo tàu, vì việc này phải được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Tàu trước khi bán phải được Bộ Tài chính chấp nhận, thẩm định giá bán tàu và công ty Vinashinlines không được bán thấp hơn giá đã thẩm định, chỉ cần 1 chi tiết nhỏ không đúng quy trình quy định thì cũng việc bán tàu phải dừng lại. Chúng tôi đang cố gắng bán tàu trong thời gian sớm nhất với giá tốt nhất.” - ông Thanh nói rõ.

Ông Thanh cũng cho biết thêm, trong tiến trình bán tàu, tàu nào còn khai thác được thì sẽ bán theo giá tàu khai thác, tàu nào cũ quá rồi thì sẽ bán thanh lý, tàu nào già quá phải bán sắt vụn thì sẽ bán sắt vụn, tàu nào mới thì bán theo giá mới, tàu được bán là tàu “sống” bình thường chứ không phải là tàu đồng nát… Còn người mua sử dụng tàu làm gì là quyền của họ.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm