Vinalines dự kiến lỗ hơn 1.100 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2018
(Dân trí) - Ngay trước thềm cổ phần hoá, công ty mẹ Vinalines vẫn dự kiến lỗ tới 1.141 tỷ đồng trong nửa đầu 2018, sau đó sẽ có lãi vào nửa cuối năm và các năm tiếp theo.
Trong bản công bố thông tin về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đánh giá, thị trường vận tải biển trong những năm đầu của giai đoạn 2018-2020 dự kiến vẫn phục hồi chậm nên các doanh nghiệp vận tải biển chỉ cố gắng duy trì ổn định hoạt động của đội tàu.
Do đó, lên kế hoạch cho thời gian tới, Vinalines vẫn khá thận trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ sau thuế gần 1.141 tỷ đồng. Đến nửa sau năm 2018, công ty dự kiến lãi 143,9 tỷ đồng.
Con số lãi sẽ được cải thiện lên 177,2 tỷ đồng vào năm 2019 và 223,5 tỷ đồng vào năm 2020. Trong khi đó, doanh thu công ty mẹ trong năm tới dự kiến tăng gấp đôi lên 1.048 tỷ đồng và dự kiến đạt 1.063 tỷ đồng vào năm 2020.
Về kết quả hợp nhất, trong nửa đầu năm nay, toàn tổng công ty này dự kiến đạt 6.345,5 tỷ đồng doanh thu và có lãi sau thuế 80,5 tỷ đồng. Nửa cuối năm con số được cải thiện lên 7.293 tỷ đồng doanh thu và có lãi sau thuế 361,2 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2017, công ty mẹ Vinalines sở hữu 19 công ty con có tỷ lệ sở hữu trên 50% vốn điều lệ với tổng mức vốn đầu tư của Vinalines là 7.444 tỷ đồng. Trong đó gồm có 10 công ty kinh doanh khai thác cảng biển, 5 công ty kinh doanh vận tải biển, 4 công ty kinh doanh dịch vụ hàng hải.
Ngoài ra, công ty mẹ Vinalines còn sở hữu 11 công ty liên kết và 4 khoản đầu tư góp vốn. Tổng mức vốn đầu tư tại các công ty liên kết, các khoản đầu tư của công ty mẹ là 1.204 tỷ đồng.
Theo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016, giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là 18.094,9 tỷ đồng và giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là 11.946 tỷ đồng.
Vinalines dự kiến thời gian chuyển sang công ty cổ phần sẽ vào cuối tháng này (30/6/2018). Vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 14.046 tỷ đồng tương đương 1,4 tỷ cổ phần. Trong đó, cổ đông Nhà nước vẫn nắm 65% vốn điều lệ và 14,8% được bán cho nhà đầu tư chiến lược, 20% bán đấu giá công khai.
Vinalines đã trải qua giai đoạn khó khăn từ năm 2009 do khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng hết sức nặng nề đến phát triển ngành hàng hải. Thị trường vận tải biển sụt giảm nghiêm trọng, giá cước vận tải giảm mạnh đã tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của tổng công ty này.
Số lãi của Vinalines giảm dần qua các năm và rơi vào tình trạng thua lỗ năm 2011. Cho đến năm 2014, lợi nhuận trước thuế của Vinalines vẫn còn âm 2.469 tỷ đồng, sang năm 2015 mới cân bằng thu chi và có lãi do thực hiện tái cơ cấu.
Bích Diệp