1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Vinalines: Âm vốn chủ sở hữu, tổng tài sản “bốc hơi” hơn 12.000 tỷ đồng

(Dân trí) - Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng tài sản của Vinalines sụt giảm 21%, kết quả kinh doanh tiếp tục thua lỗ thêm 425 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ sau thuế chưa phần phối còn tới trên 16.600 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu âm gần 6.600 tỷ đồng.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 6 tháng đầu năm 2015.

Số liệu tại Bảng cân đối kế toán cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tổng tài sản của Vinalines đã sụt giảm tới 12.385,7 tỷ đồng, tương ứng “bốc hơi” 21%. Thời điểm 30/6/2015, tổng tài sản của Vinalines đạt 46.566 tỷ đồng.

Sự sụt giảm chủ yếu đến từ biến động tài sản dài hạn của tổng công ty. Chỉ trong nửa năm, tài sản dài hạn của Vinalines đã giảm 12.386,1 tỷ đồng. Trong khi tài sản ngắn hạn tăng nhẹ hơn 1 tỷ đồng với điểm đáng ghi nhận là hàng tồn kho giảm mạnh 301,4 tỷ đồng (tương ứng giảm 36,6%).

Vinalines đang là doanh nghiệp gánh lỗ lớn nhất trong các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước
Vinalines đang là doanh nghiệp gánh lỗ lớn nhất trong các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước

Tuy nợ phải trả giảm hơn 14.700 tỷ đồng song hệ số nợ phải trả trên tổng tài sản vẫn ở mức cao. Theo đó nợ phải trả gấp 1,14 lần tổng tài sản.

Đáng chú ý, bảng cân đối kế toán của Vinalines cũng cho thấy, đến 30/6/2015, vốn chủ sở hữu của tổng công ty này vẫn bị âm tới 6.591,5 tỷ đồng mặc dù đã cải thiện đáng kể so với đầu năm (âm 8.941,7 tỷ đồng).

Tình trạng âm vốn chủ sở hữu tại Vinalines chủ yếu do khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang còn ở mức âm 16.631,5 tỷ đồng (con số này thời điểm đầu năm khoảng 20.700 tỷ đồng)

Bên cạnh đó, tổng công ty cũng ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá 49,8 tỷ đồng và lợi ích cổ đông không kiểm soát âm 345,8 tỷ đồng.

Còn tại Báo cáo kết quả kinh doanh, Vinalines tiếp tục báo lỗ sau thuế 424,9 tỷ đồng, trong đó lỗ của công ty mẹ là 105,1 tỷ đồng và lỗ của cổ đông thiểu số là 319,7 tỷ đồng. Dù vậy, kết quả này cũng đã được cải thiện đáng kể so với những con số “bê bết” trước đó. Cùng kỳ 6 tháng đầu năm năm 2014, lỗ hợp nhất của Vinalines lên tới gần 2.000 tỷ đồng!

Đến cuối tháng 6 vừa rồi, Vinalines còn 28 công ty con, trong đó có 4 công ty con là nhận bàn giao từ Vinashin cũ. Bên cạnh đó, còn có 29 công ty liên kết, 8 công ty liên doanh.

Trong báo cáo này của Vinalines không hợp nhất kết quả tài chính của Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép và Công ty TNHH Cảng Quốc tế SP-PSA, đồng thời cũng không có kết quả của công ty TNHH MTV Cà Mau do doanh nghiệp này không có người lập báo cáo tài chính và đang làm thủ tục phá sản.

Ngoài ra, Vinalines cũng đã thực hiện thoái vốn toàn bộ tại Cảng Quảng Ninh và Cảng Đoạn Xá. Thoái một phần vốn tại đơn vị CTCP Hàng hải Đông Đô, Cảng Khuyến Lương, Cảng Quy Nhơn, Cảng Năm Căn, Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines – Đông Đô, Công ty liên doanh dịch vụ Conainer Quốc tế SG SSA.

Trong kỳ, Vinalines cũng thực hiện thoái vốn tại CTCP Vận tải biển Việt Nam nhưng vẫn giữ quyền kiểm soát nên kết quả thoái vốn được ghi nhận vào lợi nhuận phân phối của Bảng Kế toán hợp nhất.

Bích Diệp

 

Vinalines: Âm vốn chủ sở hữu, tổng tài sản “bốc hơi” hơn 12.000 tỷ đồng - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm