1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Ngân hàng không muốn “nhả” nợ Vinalines

(Dân trí) - Lý do các tổ chức tín dụng đưa ra là khi xác định giá trị của Vinalines để cổ phần hóa, Nhà nước đã xác định tăng giá trị tài sản hàng nghìn tỷ đồng nên điều đó cho thấy Vinalines có khả năng về tài sản bảo đảm để trả nợ.

Ngân hàng không muốn “nhả” nợ Vinalines
Khi đàm phán mua-bán nợ của Vinalines, các TCTD đều yêu cầu mức giá cao hơn nhiều so với giá DATC dự kiến

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Theo báo cáo của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), trong việc tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), DATC đã tiếp xúc và đàm phán mua nợ với các chủ nợ là các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước.

Cụ thể, các chủ nợ có các ngân hàng Vietcombank, HSBC, VietinBank, Tienphongbank, VPbank, Oceanbank, ACB, Viet A Bank, Natixis (Pháp), Malayan Banking (Malaysia), Bangkok Bank (Thái Lan), Reliant Offshore (mua lại khoản nợ của Mizuho - Nhật Bản). Tổng giá trị sổ sách các khoản nợ đàm phán là hơn 5.000 tỷ đồng.

Kết quả, đến nay, DATC đã kết thúc đàm phán và ký các hợp đồng mua lại khoản nợ phải thu của Vietcombank (mệnh giá khoản nợ 396 tỷ đồng) và HSBC Việt Nam (mệnh giá khoản nợ 68 tỷ đồng).

Tuy nhiên, theo phản ánh của DATC thì trong quá trình tiếp xúc, đàm phán giá mua bán nợ với các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các TCTD nước ngoài, các TCTD chào bán nợ với giá khá cao, với tỷ lệ trên 50% dư nợ gốc (kể cả với khoản nợ không có tài sản đảm bảo).

Lý do các TCTD đưa ra là khi xác định giá trị của Vinalines để cổ phần hóa, Nhà nước đã xác định tăng giá trị tài sản hàng nghìn tỷ đồng nên điều đó cho thấy Vinalines có khả năng về tài sản bảo đảm để trả nợ. Mặt khác, thông tin cơ quan có thẩm quyền cho phép VietinBank và một vài TCTD được chuyển nhợ phải thu tại Vinalines thành vốn góp tại Công ty mẹ - Vinalines và các đơn vị trực thuộc (các cảng có lợi thế) đã khiến các TCTD khác trì hoãn việc đàm phán mua bán nợ với DATC.

Việc Vinalines đẩy mạnh việc bán các cảng biển cũng làm cho các TCTD tin rằng, Vinalines sẽ thu xếp được các dòng tiền trả nợ. Tất cả những thông tin trên đã ảnh hưởng đến quá trình đàm phán mua nợ của DATC: Các TCTD trì hoãn đàm phán, nếu đàm phán thì yêu cầu mức giá cao hơn nhiều so với giá mà DATC dự kiến đàm phán mua nợ.

Trước bài toán nan giải này, DATC đã kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan hữu quan có ý kiến để các TCTD ưu tiên xử lý nợ theo phương án đàm phán mua nợ với DATC.

Trường hợp Chính phủ cho phép các TCTD được chuyển nợ thành vốn góp tại Vinalines hoặc tại các đơn vị thành viên của Vinalines, DATC đề xuất Chính phủ có cơ chế buộc các TCTD phải tham gia xử lý tài chính tại đơn vị nhận vốn góp. Đồng thời, cần có các quy định về giới hạn tỷ lệ góp vốn bằng nợ tại các đơn vị này.

Xử lý nợ Vinashin cũ: Các bên “đá bóng” trách nhiệm đầu mối nhận nợ

Cũng theo DATC, tổng giá trị nợ phải trả của Vinalines là hơn 12.323 tỷ đồng nên để có đủ nguồn lực tài chính luân chuyển phục vụ chương trình cơ cấu nợ cho Vinalines, Vinalines đã thỏa thuận khi DATC mua được nợ của các TCTD, Vinalines sẽ thanh toán cho DATC các chi phí mua nợ bằng nguồn vốn kinh doanh và nguồn thu từ thoái vốn đơn vị thành viên.

Trên cơ sở này, DATC đã kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép Vinalines sử dụng các nguồn vốn kinh doanh, cá nguồn thu từ thoái vốn tại các đơn vị thành viên, tiền thu từ bán cổ phần lần đầu các đơn vị thành viên cũng như tại Công ty mẹ để phối hợp với DATC trong công tác cơ cấu nợ.

Về xử lý nợ các doanh nghiệp chuyển giao từ Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) sang Vinalines, theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải, hai doanh nghiệp là Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông và Công ty TNHH MTV Cảng Năm Căn thuộc đối tượng thực hiện phương án xử lý nợ vay tại các TCTD.

Qua khảo sát của DATC, tổng mệnh giá nợ cần xử lý tại 2 doanh nghiệp này dự kiến là 3.227 tỷ đồng (trong đó nợ gốc 2.355,6 tỷ đồng và nợ lãi 872 tỷ đồng). Theo đó, giá trị trái phiếu DATC do Chính phủ bảo lãnh để cơ cấu nợ dự kiến là 706,7 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy còn vướng mắc về đầu mối nhận nợ trái phiếu DATC phát hành để cơ cấu nợ. Cụ thể, theo quy định hiện tại, DATC yêu cầu Vinalines với tư cách công ty mẹ chủ quản các đơn vị thành viên sẽ là đầu mối nhận nợ số trái phiếu DATC phát hành có bảo lãnh của Chính phủ để xử lý nợ cho các đối tượng được phê duyệt.

Song, Vinalines từ chối và đề nghị các đơn vị thuộc đối tượng xử lý nợ sẽ ký hợp đồng nhận nợ trực tiếp với DATC hoặc SBIC sẽ ký nhận nợ với DATC với lý do Vinalines chuyển thành công ty cổ phần nên rất khó để các cổ đông chấp thuận việc ký nhận nợ thay các đối tượng này. SBIC cũng đã từ chối việc ký nhận nợ với DATC bởi các đơn vị này đã được chuyển giao về Vinalines.

Kết quả khảo sát và đánh giá sơ bộ của DATC cho thấy, sau khi được cơ cấu nợ bằng trái phiếu DATC thì các đơn vị này vẫn âm vốn chủ sở hữu, không đủ điều kiện cổ phần hóa nên hiện tại chưa xác định được năng lực thanh toán nợ trái phiếu cho DATC.

Do đó, DATC đã đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải xem xét, có ý kiến hướng dẫn về đơn vị đầu mối nhận nợ khi DATC phát hành trái phiếu có bảo lãnh của Chính phủ để cơ cấu nợ cho các đơn vị được chuyển giao từ SBIC về Vinalines làm cơ sở để DATC xây dựng và trình đề án phát hành trái phiếu.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm